Đền Quốc Phụ “kêu cứu”
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 15:50, 18/11/2018
Đền Quốc Phụ thờ Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn, cháu ngoại Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn
Trải qua thời gian, đền Quốc Phụ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập mái gian hậu cung. Nhân dân địa phương mong các cấp, các ngành liên quan sớm có biện pháp để cứu di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng này.
Bị kịch cuối đời của cháu ngoại Trần Hưng Đạo
Đền Quốc Phụ nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông, hướng về phía nam, nhìn ra sông Kinh Thầy. Từ cổng nhìn vào ngôi đền nhỏ mang dáng vẻ trầm mặc, có kiến trúc giống ngôi nhà cổ hơn.
Trò chuyện với ông Trần Minh Diễn, người trong tổ trông nom đền Quốc Phụ và tìm hiểu thêm từ sách, tài liệu lịch sử, chúng tôi mới biết đầy đủ hơn về thân thế, cuộc đời sự nghiệp lừng lẫy của nhân vật này. Huệ Vũ đại vương, Nhập nội Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn (sinh năm 1281), là tôn thất nhà Trần. Ông chính là cháu ngoại của đức thánh Trần Hưng Đạo, cháu nội của vua Trần Thánh Tông, con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, em trai vua Trần Anh Tông, chú ruột và bố vợ vua Trần Minh Tông.
Vào năm Hưng Long thứ 20 (1312), quân Chiêm Thành gây hấn, xâm chiếm biên giới phía nam nước ta, vua Trần Anh Tông ngự giá thân chinh cầm quân đánh giặc. Vua chia quân tiến theo 3 đường. Trần Quốc Chẩn được giao chỉ huy một cánh quân theo đường núi, tướng Trần Khánh Dư dẫn một cánh quân theo đường biển, còn đích thân vua Trần Anh Tông chỉ huy đại quân theo đường bộ, thủy bộ để cùng tiến đánh giặc Chiêm Thành. Một lần, ngự doanh bị quân địch tập kích, giữa lúc nguy khốn, Trần Quốc Chẩn đã đem quân cứu viện kịp thời, đồng thời phối hợp với quân của Đoàn Nhữ Hài bao vây, bức hàng quân Chiêm Thành, giành thắng lợi.
Đến năm Đại Khánh thứ 5 (1318), biên giới phía nam tiếp tục bị đe dọa bởi giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi. Ông cùng với tướng Phạm Ngũ Lão chỉ huy quân đội nhà Trần đánh trận tài tình, giành được nhiều thắng lợi to lớn, đập tan quân Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi Đại Việt.
Với công lao to lớn, năm 1323, Trần Quốc Chẩn được vua Trần Minh Tông phong chức Nhập nội Quốc phụ Thượng tể - chức quan đầu triều. Sử sách ghi nhận Trần Quốc Chẩn không chỉ có tài cầm quân mà ông còn là người đức độ, có tài nội trị được các quan triều đình nể phục.
Tưởng ông có thể an hưởng tuổi già, vậy mà cuối đời lại gặp tai họa và kết thúc cuộc đời trong bi thảm, oan trái. Bi kịch ấy xuất phát từ việc chọn người lập làm Thái tử, ông bị bọn tiểu nhân, gian thần hãm hại, chúng vu ông có âm mưu phản loạn. Vua Trần Minh Tông (vừa là cháu, vừa là con rể) không cho điều tra kỹ liền bắt tống giam ông vào ngục, còn bắt ông phải tuyệt thực đến chết. Sau này, vụ án bị phanh phui, ông được minh oan, khôi phục lại chức tước và vua cho lập đền thờ.
Xuống cấp nghiêm trọng
Ông Trần Minh Diễn, người trông nom đền chỉ những vị trí chỗ bị mối xông
Đền Quốc Phụ được lập sau khi ông được minh oan, khôi phục danh dự, chức tước. Đền thờ được xây dựng từ ngôi nhà cũ của ông nên còn gọi là Thượng tể cổ trạch (tức là nhà cổ của quan Thượng tể). Đền đều được các triều đại phong kiến sau này ban sắc phong. Di tích Thượng tể cổ trạch được xếp là một trong tám công trình di tích cổ nổi tiếng của huyện Chí Linh xưa. Sử sách gọi là “Chí Linh bát cổ”.
Trải qua thời gian, đền Quốc Phụ nhiều lần được trùng tu vào thời Lê trung hưng (thế kỷ 17 - 18) và thời Nguyễn (thế kỷ 19). Đến năm 1950, đền bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1951, nhân dân địa phương lập một cái miếu nhỏ để thờ quan Thượng tể và có nơi để thực hành tín ngưỡng tâm linh. Năm 1997, chính quyền xã Chí Minh (nay là phường Chí Minh) đã phát tâm công đức kêu gọi nhân dân và nhà hảo tâm quyên góp, vận động tài trợ để khôi phục lại đền Quốc Phụ.
Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, cùng một số hạng mục cổng tam quan, sân đền… Riêng 5gian tiền tế được dựng bằng khung nhà gỗ cổ ở Hưng Yên. Toàn bộ gian tiền tế và hậu cung được xây tường bao, cột gỗ đỡ xà gồ, lợp ngói đỏ. Ông Trần Minh Diễn kể: “Từ khi đền được khôi phục, nhân dân chúng tôi phấn khởi lắm. Bà con có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh”.
Nhưng nay vào trong đền, chúng tôi thấy gian tiền tế khá chật chội, bởi phải kê thêm nhiều ban thờ, đồ thờ, vật dụng được chuyển từ gian hậu cung ra. “Gian hậu cung xuống cấp nặng quá, mối xông hết cột, kèo, nóc nhà… chẳng biết sập lúc nào. Vì vậy, chúng tôi mới chuyển các ban thờ, đồ thờ, vật dụng ra kê tạm ngoài gian tiền tế”, ông Diễn cho biết.
Vào thăm hậu cung thì thấy những cây cột, những chỗ bị mối xông đã được xử lý bằng vật liệu chống mối mọt. Trên mái, các vì kèo, xà gồ đã bị mối mọt hết. Một số cột trụ bị mối xông hư hại nặng phải chống thêm cột gỗ tạp bên cạnh và được buộc bằng dây thép để mái không bị sập.
Theo báo cáo của phường Chí Minh, di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng: 5 gian tiền tế mái ngói bị xô xuống, một số xà gồ bị mối ăn, một số cánh cửa xệ goong và hỏng, tường bao của 5 gian tiền tế bị nứt. Tại 3 gian hậu cung với toàn bộ hệ thống cửa, cửa võng, hoành phi, câu đối, câu đầu, bộ cột, xà gồ, sắc phong, rui mè trên mái đã bị mối ăn nghiêm trọng, nguy cơ làm sập mái của 3 gian nhà hậu cung rất cao. Trước tình hình đó, phường đã liên hệ với doanh nghiệp để khảo sát và ký hợp đồng đánh bắt mối nhưng mối chết không nhiều, trái lại mối tiếp tục ăn mạnh vào các đồ thờ.
Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích Chí Linh cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy đền Quốc Phụ xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chỗ hư hỏng. Việc này chúng tôi cũng đã báo cáo thị xã để có phương án giải quyết”.
NGUYỄN VIỆT