Nên quy định về từ chức cụ thể hơn
Tin tức - Ngày đăng : 14:34, 20/11/2018
Trả lời câu hỏi về vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên liên quan đến việc “chủ động từ chức khi không còn uy tín” sẽ được thực hiện ra sao, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng từ chức là vấn đề mới và rất rộng, không chỉ trong Chính phủ, mà còn ở trong cơ quan Đảng, Quốc hội. Sau khi Nghị quyết Trung ương 8 được ban hành, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa vấn đề từ chức ở các văn bản quy phạm pháp luật. Từ chức không chỉ trong cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, hệ thống chính trị, đoàn thể chính trị - xã hội.
Hiện nay, quy định này đã được đề cập trong một số luật song vẫn chưa cụ thể và vẫn chưa đủ mạnh. Điều 7, Luật Cán bộ, công chức 2008 giải thích "từ chức" là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Điều 30 của luật này nêu: Cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ; vì lý do khác.
Như vậy, với cách đặt vấn đề chung chung "có thể từ chức, miễn nhiệm hoặc xin thôi làm nhiệm vụ", rất ít cán bộ tự giác từ chức dù không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín, không đáp ứng yêu cầu công việc và nhiệm vụ chuyên môn. Thậm chí, nhiều người còn dùng mọi thủ đoạn để ở lại vị trí mà mình đang đảm nhiệm.
Luật Cán bộ, công chức quy định 4 hình thức kỷ luật đối với cán bộ và 6 hình thức kỷ luật đối với công chức. Việc kỷ luật được đặt ra khi cán bộ, công chức có vi phạm, còn việc từ chức đặt ra khi cán bộ không đủ năng lực, uy tín và sức khỏe. Để đánh giá chính xác các yếu tố này cần một cơ chế khách quan và khoa học, buộc người đang đảm nhiệm các vị trí cán bộ lãnh đạo không thể không từ chức khi có một trong các yếu tố trên.
Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cũng đề cập đến việc từ chức của cán bộ.
Việc luật hóa quy định về từ chức sẽ giúp cho việc này dễ thực thi. Quy định rõ ràng, cụ thể sẽ là cơ sở để cán bộ, đảng viên tự giác từ chức khi có sai phạm, làm mất uy tín trong Đảng, trong nhân dân. Qua đó, nêu cao tinh thần gương mẫu, tự nguyện từ chức của cán bộ, tạo căn cứ pháp lý để những người không tự giác vẫn phải từ chức.
Việc cụ thể hóa quy định từ chức bằng những văn bản pháp luật sẽ là một bước tiến trong công tác cán bộ.
HÀ NGA