Kinh Môn đầu tư cho những cánh đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 24/11/2018

Huyện Kinh Môn đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, tu sửa hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.


Người dân xã Thái Thịnh (Kinh Môn) làm đường ra đồng

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", những năm qua huyện Kinh Môn đã tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí lao động, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Vốn đầu tư lớn

Về thôn Lộ Xá, xã Thăng Long những ngày này, xen lẫn màu xanh mơn mởn của những ruộng hành là màu trắng của những con đường bê tông thẳng tắp, chia cánh đồng thành những ô vuông vức. Ngoài 3tuyến đường ra đồng và các kênh mương chính được UBND xã Thăng Long đổ bê tông từ năm 2010 giúp sản xuất, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, từ năm 2015-2016, thôn đã đứng ra vận động nhân dân đóng góp 1,5 triệu đồng/sào, hiến đất mở rộng đường từ 0,5 m lên 2,5 m để làm 27 con đường nội đồng với tổng chiều dài 7,8 km. Ông Lương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lộ Xá cho biết: "Cứ 2 thửa ruộng thì có 1con đường ở giữa và đầu đằng kia là mương tưới tiêu. 3 tuyến đường chính do xã làm chạy theo chiều dọc, còn đường nội đồng, kênh mương nằm theo chiều ngang nên đi lại và tưới tiêu rất thuận tiện. Mặc dù kinh phí đóng góp xây dựng khá lớn nhưng ai cũng phấn khởi".

Những người con xa quê, tâm huyết với quê hương Kinh Môn cũng tích cực ủng hộ phong trào này. Tiêu biểu là ông Nguyễn Minh Sơn ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa, đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để làm lại một tuyến đường ra đồng dài gần 1,9 km. 

Những năm qua, UBND huyện Kinh Môn đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để tu sửa, xây dựng mới hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 156,3 km đường ra đồng, nội đồng; kiên cố hóa 113 km kênh mương. Hệ thống trạm bơm được xây mới, tu sửa. Riêng năm 2018, huyện Kinh Môn đã đầu tư 9 tỷ đồng xây dựng 6 công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đó là hệ thống kênh mương khu vực chuyên màu ở xã Long Xuyên; đường ra khu vực Đảo Ngọc của thị trấn Minh Tân; đường ra khu vực chuyên sản xuất nếp cái hoa vàng xã An Sinh; hệ thống lưới điện trung áp xã Thất Hùng. 2 công trình xây dựng hệ thống tưới tự động ở khu Thái Thịnh, Hiến Thành; vùng cam Bạch Đằng, Thất Hùng đang được lập dự toán, chờ phê duyệt.


Hệ thống đường ra đồng, kênh mương ở xã Thăng Long (Kinh Môn) hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân

Sản xuất thuận lợi

Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Trần Văn Mô ở thôn Lộ Xá, xã Thăng Long vẫn cấy, trồng 7 sào lúa và màu. Ông Mô cho biết: "Trước đây, mỗi lần thu hoạch, nhất là lúa rất vất vả. Do ruộng nhà tôi ở bên trong, có vụ lúa chín trước nhà khác, máy không vào được nên phải gặt tay, rồi gánh lên đầu bờ mới dùng xe chở về được. Nay bờ to nên khi nào lúa chín máy cũng xuống được, xe máy thì đi đến đầu ruộng, chúng tôi chỉ việc cho bao thóc lên xe mang về nhà".

Mặc dù đã ra khu chuyển đổi được 5 năm nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Hương ở xã Thất Hùng vẫn chưa có điện để dùng. Chị Hương chia sẻ: "Để có điện thắp sáng, ban ngày chúng tôi phải sạc điện vào bình ắc quy ở nhà, tối mang đến khu chuyển đổi dùng. Còn chạy máy bơm nước, chúng tôi phải dùng xăng, vừa tốn kém mà hiệu quả không cao. Tới đây, hệ thống điện đi vào hoạt động, việc sản xuất chắc thuận tiện hơn rất nhiều".

Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn khẳng định: "Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của Kinh Môn tương đối hoàn thiện. Sau dồn điền, đổi thửa, hầu hết các địa phương đều tích cực làm đường giao thông ra đồng, nội đồng. Hằng năm, kênh mương, trạm bơm đều được tu sửa, nạo vét, đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu. Hạ tầng sản xuất hoàn thiện đã góp phần tăng năng suất, giảm chi phí cho nhân dân".

Trong các năm 2019-2020, huyện Kinh Môn dự kiến sẽ đầu tư 18,6 tỷ đồng xây dựng một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như đường giao thông nội đồng thôn Quảng Trí (xã Thái Sơn), Nam Hà, Phạm Xá  (xã Hiến Thành); hệ thống tưới tiết kiệm cho các xã Hiệp An, Thất Hùng... 

THANH HÀ