Chân dung thầy giáo trẻ qua đôi mắt học trò

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 16:04, 25/11/2018

Đọc bài thơ "Thầy giáo trẻ" của Phan Thị Thanh Hằng, tôi chợt thấy vui vui, cảm giác như có một khúc nhạc nhẹ khẽ ngân rung trong lòng.

Đọc bài thơ "Thầy giáo trẻ" của Phan Thị Thanh Hằng, tôi chợt thấy vui vui, cảm giác như có một khúc nhạc nhẹ khẽ ngân rung trong lòng. "Thầy giáo trẻ" giống như một câu chuyện, mà nhân vật trữ tình “em” kể về “thần tượng” của mình: thầy giáo trẻ. Chất hồn nhiên tinh nghịch của lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” là nét chủ đạo, làm nên một giọng điệu dễ thương quán xuyến bài thơ. Điều dễ nhận thấy qua bài thơ là tác giả còn rất trẻ và hình như mới qua tuổi học trò? 

Thời gian nghệ thuật của bài thơ là một sớm mùa thu, có ánh nắng nhạt nhòa và lá vàng khẽ rơi theo gió. Đó là thời gian rất đặc trưng mở đầu cho một năm học mới. Khi ấy, học sinh được trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Nhưng mùa thu này, học trò lớp văn còn có thêm một niềm vui mới, ấy là sự xuất hiện của thầy giáo trẻ, lại đẹp trai tới mức học trò cứ truyền tai nhau thầm thì: "Thầy mới về trường đẹp trai quá mày ơi!". “Đẹp trai” chính là cảm nhận đầu tiên của những cô học trò về thầy giáo trẻ: "Một sớm mùa thu anh trở lại trường xưa/Cậu sinh viên vô tư giờ thành thầy giáo trẻ".

 Chỉ hai câu thơ mở đầu mà đã có ba sự thay đổi trong cách xưng hô của nhân vật trữ tình với đối tượng được nói tới. Từ "anh" rồi "cậu sinh viên" đến "thầy giáo trẻ". Theo đó, vị trí, vai trò của chủ thể trữ tình cũng thay đổi. Vậy là sự trở lại trường của "cậu sinh viên vô tư" ngày nào, không phải với tư cách là người học trò về thăm trường cũ, mà người sinh viên ấy nay đã mang theo một sứ mệnh khác cao cả và thiêng liêng: đó là đem tri thức, lý tưởng, niềm tin thắp sáng các thế hệ học trò. Với vai trò là thầy giáo, một thầy giáo trẻ, trở lại trường trong cương vị mới, thầy không che giấu được sự ngượng ngùng, bối rối trước lũ học trò đầu tiên mà thầy “đụng” phải. Đó là "Lũ học trò nam lắm lời như cuội/Và tụi nữ bọn em lém lỉnh ranh ma". Tuổi còn trẻ, kinh nghiệm nghề nghiệp chưa có và cái chính là thầy rất đẹp trai, nếu không có một bản lĩnh vững vàng, thầy dễ bị lũ học trò lắm lời, lém lỉnh, ranh ma trên “bắt nạt”. Khổ nỗi, thầy còn bị học sinh gọi là anh với lời giải thích “vơ vào” nhưng nghe ra có vẻ hợp tình, hợp lý: "Tuấn bảo rằng: “Thầy là anh người ta/Vì người ta học cùng em thầy ấy”. Nhưng thật may cho thầy, nhân vật trữ tình, người xưng em trong bài thơ vẫn quả quyết gọi anh là thầy bởi một lý do rất hiển nhiên: “vì anh là thầy giáo của em”. Gọi thầy là anh nhưng cô lại khẳng định: "anh là thầy giáo của em" nghe có vẻ gì như mâu thuẫn, nhưng là một mâu thuẫn chấp nhận được. Cụm từ "thầy giáo của em" nghe hãnh diện, ngọt ngào và thân thương, cứ như anh chỉ là thầy giáo của riêng em. Ta hiểu vì sao những người theo nghiệp giáo viên, lần đầu tiên được nghe học trò gọi là thầy sẽ là một dấu ấn khó quên là như vậy! Sức hấp dẫn về hình thức của thầy giáo trẻ đã được khẳng định ở câu thơ trên bằng lời thì thầm của đứa bạn: "Thầy mới về trường đẹp trai quá mày ơi!" và còn được nhấn mạnh một lần nữa qua nụ cười “mê hồn” của thầy: "Thầy giáo cười khoe một chiếc răng duyên/Khiến bao kẻ yếu tim phải động lòng trắc ẩn". Từ “yếu tim” ở đây được hiểu theo nghĩa bóng: sức cuốn hút từ nụ cười của thầy đã làm liêu xiêu bao “bóng hồng” trong lớp, thậm chí khiến cho người ta phải ngơ ngẩn đó thôi! 

Nhưng theo mạch thơ, cảm xúc choáng ngợp trước vẻ hấp dẫn của thầy dường như chững lại. Bởi câu thơ ngay sau đó, giọng tinh nghịch đã bớt đi, thay vào đó là một giọng thơ tỉnh táo và lý trí: "Nhưng em mong rằng sẽ không có ở đây/Ở lớp văn chương này một người “yếu tim” như thế", tác giả tin rằng lớp văn chương của mình không có người “yếu tim”, không có ai ngơ ngẩn bởi vẻ đẹp trai của thầy: Nói đúng hơn, đó là hy vọng (dẫu mong manh), là mong muốn của riêng em, khi hằng ngày tụi em phải đối diện với thầy: "Bởi nếu không em tin là thầy sẽ…/Sẽ “khổ” vô cùng khi gặp phải bọn em".

Hai câu thơ dí dỏm này vừa có ý “nhắc nhở” rất khéo, vừa hàm ý “đe dọa” đáng yêu của những nữ học trò “đáo để”. Sau từ "sẽ" ở câu thơ trên là dấu chấm lửng (…) như muốn kéo dài thời gian, diễn tả chút ngập ngừng, đắn đo để rồi ngay sau đó, tác giả đột ngột tuyên bố: Thầy hãy cẩn thận và hãy chuẩn bị tinh thần, nếu không em tin thầy "sẽ “khổ” vô cùng khi gặp phải tụi em". Cách dùng từ "bao người, tụi em" (là những từ chỉ số đông) đã là bằng chứng cho thấy em cũng không là ngoại lệ “yếu tim” trước vẻ lịch thiệp, đáng yêu và vô cùng hấp dẫn của thầy. Thế nhưng tác giả đã phủ nhận tình cảm ấy và cho rằng "...sẽ không có ở đây/Ở lớp văn chương này một người “yếu tim” như thế!". Dường như chủ thể trữ tình một lần nữa lại tự mâu thuẫn: vừa như muốn lại vừa như không thừa nhận tình cảm “đặc biệt” của mình với thầy giáo trẻ. 

Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, tình cảm nhưng cũng rất tinh nghịch, bài thơ "Thầy giáo trẻ" của Phan Thị Thanh Hằng là một góc nhìn gần gũi về quan hệ thầy trò trong nhà trường. Sự ngưỡng mộ, tin tưởng của học trò cùng với cử chỉ gần gũi, thân mật, tự tin của thầy đã dệt nên một tình cảm thầy trò đẹp đẽ và sáng trong. Cứ giản dị, tự nhiên như thế, câu chuyện mà tác giả kể lại bằng thơ về thầy giáo trẻ rất chân thành và cũng rất học trò nên dễ đi vào lòng người.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Thầy giáo trẻ

Một sớm mùa thu anh trở lại trường xưa
Cậu sinh viên vô tư giờ thành thầy giáo trẻ
Đứa bạn em thì thầm khe khẽ
“Thầy mới về trường đẹp trai quá mày ơi!”
Nắng nhạt nhòa theo chiếc lá vàng rơi
Che ánh mắt anh ngập ngừng bối rối
Trước lũ học trò nam lắm lời như cuội
Và tụi nữ bọn em lém lỉnh ranh ma
Tuấn bảo rằng: “Thầy là anh người ta
Vì người ta học cùng em thầy ấy”
Nhưng em vẫn gọi anh là thầy đấy
Bởi vì anh là thầy giáo của em
Thầy giáo cười khoe một chiếc răng duyên
Khiến bao kẻ yếu tim phải động lòng trắc ẩn
Em dám chắc sẽ có người ngơ ngẩn
Trước nụ cười thân thương quá thầy ơi
Nhưng em mong rằng sẽ không có ở đây
Ở lớp văn chương này một người “yếu tim” như thế
Bởi nếu không em tin là thầy sẽ…
Sẽ “khổ” vô cùng khi gặp phải bọn em.

PHAN THỊ THANH HẰNG