Bức tâm thư của một doanh nhân

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 27/11/2018

Bức thư của ông Tạ Quyết Thắng thể hiện nỗi bức xúc không chỉ của doanh nghiệp ông mà có tính đại diện cho những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Gần đây, dư luận rất quan tâm đến sự việc ông Tạ Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường (TP Hải Phòng) viết thư gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để nói về 10 “đoạn trường” của doanh nghiệp khi đầu tư dự án. Trong thư, ông Thắng nói đến nỗi khổ khi phải làm nhiều thủ tục rườm rà về đất đai, đầu tư, xây dựng… kéo dài trong nhiều năm, có những thủ tục cấp “sổ đỏ” mất 10 năm mới làm xong.

Bức thư của ông Tạ Quyết Thắng thể hiện nỗi bức xúc không chỉ của doanh nghiệp ông mà có tính đại diện cho những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà không phải doanh nhân nào cũng đủ dũng khí để nói ra những bức xúc, khó khăn, phiền hà khi đi làm thủ tục hành chính (TTHC). Thế nên khi sự việc được phản ánh trên báo chí thì nhiều doanh nhân lên tiếng đồng tình, ủng hộ và chia sẻ thêm nỗi gian truân này.

Công bằng mà nói thời gian qua, chính quyền các cấp đã tích cực cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC. Nhiều TTHC rườm rà bị cắt giảm, số ngày giải quyết thủ tục được rút ngắn lại. Phong cách, thái độ làm việc của cán bộ giải quyết TTHC từng bước chuyển biến. Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh” vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà còn xảy ra nhưng kín đáo, tinh vi hơn. Nhiều cuộc đối thoại, gặp mặt giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền với doanh nhân, người dân được tổ chức song việc thực hiện các chỉ đạo, lời hứa trong các cuộc đối thoại, gặp mặt này ở nhiều nơi chưa hiệu quả. Một số địa phương tự đánh giá đã làm tốt việc cải cách TTHC song chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn ở mức thấp. PCI là chỉ số đo lường khá sát thực về sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc gửi tâm thư cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện ông Thắng là một người có trách nhiệm vì lợi ích chung, như chính ông chia sẻ rằng nếu im lặng thì mọi việc sẽ trì trệ.

Bức thư của ông Thắng làm tôi nhớ đến sự việc vào tháng 3.2000, ông Lý Xương Bình - một bí thư đảng ủy hương (tương đương cấp xã ở Việt Nam) ở Trung Quốc đã viết bức tâm thư gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Bức thư phản ánh nỗi thống khổ của người nông dân Trung Quốc, trong đó có việc bị không ít cán bộ địa phương chèn ép, gây phiền hà. Sau sự việc này, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh, giúp người nông dân bớt khó khăn, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn. Về sau, ông Lý Xương Bình đã viết cuốn sách nổi tiếng “Tôi nói thật với Thủ tướng” được bạn đọc đánh giá cao.

Nắm bắt được sự việc của ông Tạ Quyết Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố liên quan kiểm tra, xử lý phản ánh của doanh nghiệp, chấn chỉnh, xử lý những cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức vi phạm (nếu có), báo cáo Thủ tướng trước ngày 5.12. Đây là một hành động nhanh chóng, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đến giờ chưa rõ kết quả giải quyết sẽ ra sao vì còn phải chờ thời gian để có các thông tin phản hồi từ phía các bộ, ngành, chính quyền địa phương có liên quan để bảo đảm sự việc được nhìn nhận khách quan. Nhưng qua sự việc này cho thấy cả ông Tạ Quyết Thắng và người đứng đầu Chính phủ đều nhận thấy rõ những rào cản trong quá trình cải cách hành chính, thấy được trách nhiệm của mình và đã có những hành động quyết liệt để xử lý vụ việc. Nếu mỗi doanh nhân, mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có ý thức trách nhiệm và “chí công vô tư” như vậy thì không lo gì những “bức tường” TTHC phiền hà không bị xô đổ.

NINH TUÂN