Lao động tự ý nghỉ việc: Chủ doanh nghiệp ngán ngẩm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 13:26, 30/11/2018

Những năm gần đây, cuộc cạnh tranh để thu hút lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ngày càng quyết liệt. Người lao động thì "đứng núi này trông núi nọ" nên liên tục "nhảy" việc.


9 tháng đầu năm 2018, Công ty TNHH May Tinh Lợi có hơn 6.500 công nhân đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động mới do tình trạng biến động lao động trong năm lớn. Số lượng người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và tự ý nghỉ việc nhiều khiến chủ DN gặp khó khăn.

Ồ ạt "nhảy" việc

Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của các DN trong KCN ngày càng tăng nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Trong đó, chủ yếu là các DN về may mặc, điện, điện tử thường có nhu cầu sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ.

Là DN có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Cương ở KCN Lai Cách (Cẩm Giàng) có trên 450 lao động chuyên sản xuất đế giày thể thao, những sản phẩm từ vật liệu eva và cao su. Nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng lao động nghỉ việc đã lớn hơn số lao động hiện có. Đại diện DN cho biết công ty đã tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức. Những lao động qua tuyển dụng trực tiếp có chất lượng tốt hơn, còn tuyển dụng qua các kênh thông tin thì chất lượng không ổn định, nghỉ việc tự do nhiều.

Công ty CP Vifon chi nhánh Hải Dương trong KCN Tân Trường (Cẩm Giàng) mới khánh thành nhà máy chế biến thực phẩm vào cuối năm 2017, hiện có gần 200 lao động. Số lượng lao động không lớn nhưng biến động liên tục khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Chỉ trong 9tháng đầu năm 2018, đã có 155 lao động nghỉ việc, trong đó 47 trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, còn lại là tự ý nghỉ việc. 

Mặc dù hiện chỉ có 130 lao động nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Shinyang Metal trong KCN Đại An cũng có 21 người nghỉ việc, trong đó có 16 trường hợp lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, còn lại là tự ý nghỉ việc. Tình trạng công nhân nghỉ việc cũng xảy ra ở Công ty TNHH May Tinh Lợi. Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm nay, công ty có hơn 6.500 trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong đó có 22 lao động tự ý nghỉ việc. 

Thống kê từ hơn 120 DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh cho thấy từ nay đến giữa năm 2019, các DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 37.340 lao động. Trong số đó, cần tuyển thêm 17.700 lao động, còn lại là lao động tuyển dụng thay thế lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Hằng năm, số lượt người lao động nghỉ việc rất lớn, chiếm tỷ lệ trên 40% tổng số lao động đang làm việc. Nhiều lao động thường xuyên thay đổi chỗ làm khiến DN bị động nên phải dự kiến kế hoạch tuyển dụng lao động thay thế để bảo đảm ổn định sản xuất. 


Mặc dù hiện chỉ có 130 lao động nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Shinyang Metal cũng có 21 lao động nghỉ việc

Nhiều lý do

Trong văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc với Ban Quản lý các KCN tỉnh, ông Đinh Tùng Linh, Phó Giám đốc Công ty CP Vifon chi nhánh Hải Dương nêu rõ: Ý thức của một bộ phận người lao động chưa tốt nên hay nghỉ việc tự do, chưa tuân thủ nội quy, quy định về lao động. Tình trạng lao động tự ý nghỉ việc khiến công ty thiếu nhân lực sản xuất. Hiện nay, DN gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt là các vị trí đòi hỏi lao động có tay nghề trong các lĩnh vực cơ khí, điện, vận hành máy móc.

Lao động nghỉ việc, chuyển chỗ làm có nhiều nguyên nhân, xuất phát từ cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Nhiều lao động được tuyển dụng chưa tìm hiểu rõ môi trường làm việc, muốn tìm cơ hội có việc làm tốt và phù hợp hơn, thu nhập cao hơn tại DN khác, nhất là lao động trẻ. Là công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam trong KCN Đại An, chị Nguyễn Thị Thơm (27 tuổi) cho biết: "Trước khi vào đây tôi đã làm việc ở 4 công ty khác nhau trong KCN Đại An và KCN Tân Trường. Chế độ ưu đãi, thời gian làm việc và mức thu nhập của những DN trước đó không tốt nên sau hơn 2 tháng thử việc tôi đã tự nghỉ. Qua bạn bè giới thiệu, tôi vào làm việc tại Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam. Ở đây, mọi chế độ tốt hơn nên tôi đã gắn bó được 4 năm nay". 

Ngoài ý thức của người lao động chưa cao thì việc họ không gắn bó với DN, tự ý nghỉ việc một phần còn do DN chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để công nhân hiểu và xác định gắn bó lâu dài. Tiêu chí tuyển dụng ở một số doanh nghiệp chưa rõ ràng, thông tin về chế độ đãi ngộ mập mờ nên khi vào làm người lao động dễ chán nản. Nhiều DN chỉ tuyển lực lượng lao động trẻ có độ tuổi từ 18 - 35, không muốn sử dụng lao động có thâm niên do phải trả lương và chế độ bảo hiểm xã hội cao...

Các DN đang phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong đó có cạnh tranh về lao động. Để người lao động gắn bó, mỗi DN cần nâng cao thu nhập cho người lao động, có chế độ ưu đãi khác biệt, khuyến khích được công nhân gắn bó, yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phối hợp hiệu quả hơn với DN tuyên truyền, tập huấn các quy định về pháp luật lao động để nâng cao ý thức, kỷ luật của người lao động.

PHAN ANH