Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 16:53, 30/11/2018
Chiều 30.11, phiên tòa xét xử vụ án hai cựu tướng công an "bảo kê" đường dây đánh bạc tiếp tục với phần chủ tọa công bố nốt nhận định hành vi phạm tội và tuyên án 92 bị cáo.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, chủ tọa thông báo cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trước đó, trong buổi sáng bị cáo Vĩnh cùng bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50 tỏ ra khá mệt mỏi. Khi chủ tọa đang đọc bản án thì hai cựu tướng công an đã được cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa vào phòng chăm sóc y tế.
Theo nội dung bản án được công bố trong buổi sáng, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định bị cáo Phan Văn Vĩnh đã ký quyết định thành lập Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của C50, trái quy định của Bộ Công an.
Việc cho CNC thuê trụ sở Cục cảnh sát gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi phạm tội, không cho cơ quan cấp dưới, cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn đường dây đánh bạc Rikvip. Bị cáo Vĩnh còn ký văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị tạo điều kiện cho CNC. Khi biết có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị cơ quan điều tra vào cuộc, để che giấu hành vi phạm tội, ông Vĩnh đã bút phê vào văn bản không dấu do Nguyễn Thanh Hóa trình.
"Hành vi này thể hiện sự bao che đến cùng", bản án nhận định. Khi lãnh đạo Bộ Công an có yêu cầu báo cáo nhưng bị cáo Vĩnh không chấp hành, phải đến lần thứ hai thì mới báo cáo nhưng không đúng sự thực, không chỉ đạo triệt phá.
"Hành vi của ông Vĩnh gây bất bình quần chúng nhân dân, giảm uy tín của ngành công an, niềm tin của người dân. Bị cáo Vĩnh cố ý bao che cho hành vi phạm tội của Dương và đồng phạm đến cùng", bản án nhận định.
Qua tài liệu điều tra và lời khai các bị cáo tại tòa, có thể thấy động cơ mục đích phạm tội của bị cáo Vĩnh là cá nhân. Hành vi đủ dấu hiệu giúp sức Dương tổ chức đánh bạc, nhưng do chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét xử lý hành vi của Phan Văn Vĩnh mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án này bị cáo Vĩnh và Hóa cấu kết với nhau, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Với vị trí, vai trò là tổng cục trưởng, đánh lẽ bị cáo phải kiên quyết đấu tranh nhưng lại cấu kết phạm tội nên hành vi của bị cáo Vĩnh đáng bị lên án hơn các bị cáo khác.
HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát 9 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50 bị tuyên phạt 10 năm tù về cùng tội danh trên. Hình phạt bổ sung đối với bị cáo Hóa là 100 triệu đồng.
Đối với hai cáo được xác định cầm đầu đường dây đánh bạc, HĐXX tuyên Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty CNC 5 năm tù về tội tổ chức đánh bạc và 5 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hình phạt tòa tuyên bị cáo Dương 10 năm tù cho cả 2 tội danh.
Bị cáo Phan Sào Nam bị tuyên phạt 2 năm tù về tội tổ chức đánh bạc và 3 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hình phạt tòa tuyên bị cáo Nam 5 năm tù cho cả 2 tội danh.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán trò chơi trực tuyến, Công ty CNC bị tuyên phạt 3 năm tù về hai tội danh tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Bị cáo Đoàn Thị Thu Hà, kế toán Công ty CNC bị tuyên phạt 4 năm tù cho hai tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Bị cáo Lưu Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CNC bị tuyên phạt 15 tháng tù, bằng thời gian tạm giam và được tuyên trả tự do tại tòa.
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh, điều hành Công ty GTS bị tuyên phạt 2 năm tù tội tổ chức đánh bạc và phạt 450 triệu đồng tội mua bán trái phép hóa đơn.
Bị cáo Phan Thu Hương (dì ruột Phan Sào Nam) và Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty Nam Việt cùng bị phạt 3 năm tù cho hưởng án treo.
82 bị cáo còn lại trong vụ án bị HĐXX tuyên phạt từ cảnh cáo, phạt tiền và cao nhất là cao 3 năm 6 tháng tù.
Trước đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh mức án từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, Cục trưởng C50 bị đề nghị mức án từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.
Ba nhà mạng phải nộp lại hơn 100 tỷ đồng Sau khi đánh giá hành vi phạm tội của 2 cựu tướng công an và 90 bị cáo, HĐXX cũng đề cập đến trách nhiệm của các nhà mạng. Quá trình điều tra đã chứng minh các công ty viễn thông, nhà mạng hưởng lợi từ việc phát hành thẻ cào làm phương tiện thanh toán cho 2 game đánh bạc là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel hưởng hơn 913 tỷ đồng, Vinaphone là 147 tỷ đồng, Mobifone là 171 tỷ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý. Về số tiền thu lời bất chính của 3 nhà mạng, cáo trạng xác định hiện còn lại hơn 372 tỷ đồng phải truy thu, trong đó Viettel còn phải nộp lại 274 tỷ đồng; VNPT phải nộp lại hơn 60 tỷ đồng và MobiFone hơn 38 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi các nhà mạng có kiến nghị, tính toán lại các khoản khấu trừ, HĐXX cho rằng các nhà mạng Viettel còn phải nộp lại hơn 90 tỷ đồng, Vinaphone phải nộp lại hơn 13 tỷ đồng và nhà mạng Mobifone còn phải nộp hơn 15 tỷ đồng. HĐXX yêu cầu các nhà mạng phải nộp lại một lần toàn bộ số tiền trên vào ngân sách nhà nước ngay sau khi bản án có hiệu lực. |
Theo Tuổi trẻ