Đằng sau những cái tát

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:49, 01/12/2018

Ngay sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ một cô giáo ở Quảng Bình cho học sinh tát một trò phạm lỗi nói tục tới 231 cái, công luận đã rất phẫn nộ.

Càng phẫn nộ hơn vì biết việc tát hội đồng khi học sinh mắc lỗi đã được giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy (sinh năm 1977, chủ nhiệm lớp 6.2 ở Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) quy định từ lâu. Mỗi học sinh sẽ tát 10 cái, nếu em nào không tát mạnh hoặc không tát thì sẽ bị tát ngược lại. Lớp cô có ít học trò nên hãy còn "may" cho em Hoàng Long Nhật (trò phạm lỗi hôm đó) chứ nếu lớp đông như nhiều trường ở thành phố thì không biết nạn nhân còn phải chịu thêm bao nhiêu cái tát nữa. Dư luận càng thấy phẫn nộ về một cái tát bồi thêm của cô giáo Thủy để thành 231 cái khiến em Nhật phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

Đến đây, người viết bài này (cũng đã từng làm nghề dạy học) phải lặng đi hồi lâu với những câu hỏi: Vì sao nạn bạo lực học đường nhức nhối từ lâu và đã có nhiều biện pháp khắc phục mà vẫn chưa thuyên giảm, trái lại còn có những quy định tàn nhẫn như ở lớp cô giáo Thủy? Cái quy định trừng phạt học sinh này đã tồn tại từ bao giờ mà Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh, chính quyền địa phương và Hội Cha mẹ học sinh không hay biết? Trước sự vụ này thì có bao nhiêu trò đã bị hành hạ như thế? Để biện minh cho việc làm phi nhân tính đó, nhất là lại ở một người làm nghề sư phạm, cô giáo này cho rằng để khỏi “mất điểm thi đua”!?

Quả thực lâu nay phong trào thi đua ở một số nơi, ngành nghề đã không còn đúng với tinh thần của nó mà đã trở thành những cuộc ganh đua, mua bán bất chấp bằng mọi giá, mọi cách. Cơ sở trên cũng có thể không nằm ngoài hạn chế đó. Điều đáng buồn là phong trào thi đua ở trường học nào cũng có khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thế nhưng, chỉ vì sợ “mất điểm thi đua” mà đặt ra cái quy định tàn nhẫn kia thì phản tác dụng vô cùng. Người ta hay nói bạo lực sinh bạo lực. Ra lệnh cho học sinh tát bạn đủ 10 cái thì vô hình trung, cô đã dạy học sinh bạo lực, để rồi ở trong trường lớp, ra đường hoặc về nhà, các em cũng sẽ ứng xử thô bạo như thế sao? Thật là chua xót! Còn bản thân cô, người đã chỉ huy những vụ tát học trò như thế, có bao giờ thấy lương tâm day dứt? Có bao giờ đặt ra tình huống khi đôi má của con cháu mà mình đã từng đặt môi hôn lại phải nhận những cái tát, không chỉ một mà hàng chục, hàng trăm? Cũng có thể từ hệ lụy của quy định ấy, những học sinh bị tát sẽ thành "sẹo” trên đôi má của mình, thành "sẹo" trong tâm oán giận, hờn trách. Còn những trò “được" tát bạn liệu có thấy ân hận hay cũng vô tư khi hành xử với bạn của mình…

Tóm lại, đằng sau những cái tát còn nhiều hệ lụy nữa. Bản án kỷ luật của nội bộ ngành giáo dục cũng như bản án vi phạm “hành hạ người khác” theo điều 140 Bộ luật Hình sự đã được Công an huyện Quảng Ninh khởi tố đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đang trong quá trình điều tra, xem xét. Đó cũng là bài học đắt giá đối với ngành giáo dục hiện nay.

 NGUYỄN THẾ