Nguy hại "ô nhiễm trắng"
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:40, 02/12/2018
Những món hàng tươi sống như cá, cua thì được luồn bằng những sợi dây chuối, dây lạt. Muốn đựng đồ có nước, chất lỏng thì đã có sẵn những chiếc chai lọ được mang theo. Bao nhiêu năm, bao nhiêu gia đình không có thùng rác. Toàn bộ rác đều là đồ tự phân hủy, được chôn lấp ngay trong vườn nhà hoặc phơi khô để làm chất đốt.
Vậy mà giờ rác thải không phân hủy hoặc chậm phân hủy đang tràn ngập khắp nơi và trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc ở khắp thành phố, làng quê. Trong đó, "ô nhiễm trắng" vì nilon, loại rác thải không thể phân hủy là mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường sống của nhiều thế hệ tiếp theo.
Những năm gần đây, nilon ngập tràn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, phục vụ mọi nhu cầu của con người. Ở chợ, chỉ cần bán vài quả ớt, người bán cũng cho túi đựng bằng nilon. Chỉ mua vài viên thuốc cũng bọc bằng nilon. Thậm chí, để bọc xôi, bọc gói đồ ăn, bên ngoài lớp lá chuối, lá sen hoặc lá bàng cũng lại là chiếc túi nilon. Ở siêu thị, người mua tha hồ sử dụng nilon theo nhu cầu. Đồ ăn, thức uống toàn bộ đều có thể bọc bằng nilon, hộp xốp, hộp nhựa... Mới đây thôi, hình ảnh một con cá heo chết trôi dạt vào bờ biển phía đông Indonesia với chiếc dạ dày chứa tới 5,9 kg nilon tiếp tục gióng lên hồi chuông nhức nhối về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu.
Số vật liệu khó và không thể phân hủy dùng để đựng, bọc các mặt hàng đều được xả ra bãi rác chung. Người có ý thức thì ít dùng hoặc tách riêng đồ khó phân hủy để tái sử dụng. Nhưng có rất nhiều người sử dụng các vật liệu trên một cách vô thức, hoàn toàn không hiểu về tác hại của các loại rác thải nguy hại cho môi trường. Nhiều người không quan tâm đến tác hại của các loại rác thải này vì lợi ích trước mắt hoặc thói quen tùy tiện trong sử dụng.
Rác thải có thể được gom theo từng nhóm, gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, nilon, thủy tinh); chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Nhưng việc phân biệt, phân loại theo nhóm rác thải không dễ thực hiện ngay bởi nhiều người còn chưa hiểu, chưa thể nhận biết đâu là rác thải dễ phân hủy, đâu là rác không phân hủy.
Là một trong 4 quốc gia phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất châu Á, Việt Nam đang phải đối mặt với thảm họa “ô nhiễm trắng”. Tuy muộn nhưng đã đến lúc mọi người dân phải được trang bị ngay những kiến thức về ô nhiễm môi trường, về sử dụng, tái sử dụng các loại vật liệu khó phân hủy.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt với mức phạt có thể lên tới 20 triệu đồng cho những hộ không phân loại rác tại nguồn đang thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân thành phố này.
Từ TP Hồ Chí Minh, việc làm này nên nhanh chóng được nhân rộng. Giống như việc đưa kỹ năng sống, giáo dục về ý thức cho học sinh trong các trường, các ngành, các cơ quan chuyên môn, mỗi địa phương cần tập trung tuyên truyền tới người dân về lựa chọn vật liệu, phân loại rác thải, cách xử lý rác thải. Vận động và xử phạt là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải cầm tay chỉ việc, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của việc xả rác bừa bãi và cách để giữ gìn môi trường sống. Cùng với đó cần đầu tư, bố trí đồng bộ các phương tiện, tổ chức thu gom theo phương thức hiện đại.
LINH AN