Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công: Bước tiến mới trong cải cách hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 11:43, 05/12/2018

Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2019, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.


Một phần Thư viện tỉnh đã được ấn định là địa điểm đặt Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh

Khắc phục nhiều hạn chế 

Là chủ một doanh nghiệp ngoài nhà nước, ông Trần Văn Diện ở khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) tỏ ý phấn khởi khi biết tỉnh sẽ thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ông hy vọng trung tâm sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay trong giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công dân, doanh nghiệp.

Mong muốn của ông Diện cũng chính là mục tiêu mà tỉnh hướng tới khi quyết tâm xây dựng trung tâm này. Trước đó, qua khảo sát nhằm đánh giá thực trạng giải quyết TTHC, tỉnh và các ngành liên quan đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập đang tồn tại gây cản trở cải cách TTHC. Trong đó đã chỉ ra nguyên nhân của hạn chế một phần là do sự thiếu đồng bộ, chưa thống nhất về mô hình tại các bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Hầu hết các sở, ban, ngành của tỉnh hiện đã bố trí bộ phận "một cửa" nhưng hiệu quả hoạt động không đồng đều. Một số bộ phận chật hẹp, chưa được trang bị đầy đủ phương tiện. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin không thống nhất dẫn đến lãng phí trong phục vụ, giải quyết TTHC.

Hoạt động của một số bộ phận "một cửa" còn hình thức, chưa phải là nơi hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ công dân, doanh nghiệp. Hầu hết các bộ phận "một cửa" mới chỉ thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả. Phần việc giải quyết TTHC được chuyển về các bộ phận, phòng chuyên môn thực hiện. Cá nhân, tổ chức còn phải mất nhiều thời gian, thậm chí cả chi phí không chính thức để thực hiện các TTHC. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, đặc biệt là công chức làm việc tại các bộ phận "một cửa" dẫn đến giải quyết công việc chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Một số nơi còn phát sinh "thủ tục con" trong giải quyết TTHC...

Hải Dương xác định rõ sự cần thiết phải thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công với mục tiêu khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông; tạo môi trường giải quyết TTHC công khai, minh bạch, thuận tiện, văn minh, hiện đại. Trung tâm sẽ là nơi triển khai hiệu quả việc cung cấp một số dịch vụ tiện ích cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC. Quan trọng hơn, vai trò giám sát của nhân dân được tăng cường đối với cơ quan, công chức, viên chức (CCVC) trong thực thi nhiệm vụ, giải quyết TTHC, từng bước góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Mô hình đặc thù và tinh thông

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được ấn định địa điểm tại tầng 1, Thư viện tỉnh ở phố Tôn Đức Thắng (TP Hải Dương). Trung tâm sẽ là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Theo đề án do Sở Nội vụ và các ngành liên quan đã chuẩn bị, đơn vị sẽ là đầu mối tập trung của tỉnh để công khai, hướng dẫn TTHC, đôn đốc, theo dõi tiếp nhận hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân; giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, cơ quan ngành dọc ở trung ương và địa phương.

Dự kiến, ngoài Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm, trung tâm sẽ có 3 tổ gồm: hành chính - tổng hợp; hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC và tổ kiểm tra - giám sát. Khoảng 22 sở, ban, ngành, cơ quan ngành dọc gồm: 15 sở thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp; Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và BIDV chi nhánh Hải Dương sẽ cử khoảng 40 cán bộ, CCVC đến làm việc tại trung tâm. 

Dự thảo đề án đề xuất tiêu chuẩn chọn cán bộ, CCVC đến trung tâm làm việc phải có đủ tiêu chuẩn chung về phẩm chất theo quy định; đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên; đang giữ chức vụ là trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng, có chuyên môn giỏi, có kỹ năng tổng hợp am hiểu nhiều lĩnh vực của sở, ngành đang công tác. Thời gian thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, CCVC được cử đến làm việc tại trung tâm tối thiểu là 12 tháng và tối đa không quá 24 tháng mỗi đợt, trừ các trường hợp khác được quy định.

Cán bộ, CCVC đến làm việc tại trung tâm phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Trường hợp phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một lần. Cán bộ, CCVC ngành nào tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ ngành đó, theo dõi việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo quy định; cập nhật hồ sơ đã tiếp nhận vào phần mềm quản lý và cấp mã số hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân. Toàn bộ cán bộ, CCVC đến làm việc tại trung tâm chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc giải quyết TTHC; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các TTHC trái pháp luật, không khả thi hoặc không phù hợp với thực tế... 

Để đưa trung tâm đi vào hoạt động theo kế hoạch, cùng việc chuẩn bị về đội ngũ, UBND tỉnh đã giao các ngành chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, liên thông, liên kết nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu hoạt động.

THU MINH