Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất chuỗi động cơ máy bay thương mại?
Kinh tế - Ngày đăng : 10:41, 06/12/2018
Máy bay Boeing 737 MAX sử dụng động cơ của CFM
Với tốc độ khách đi đường hàng không tăng trưởng nóng những năm qua cùng với mức đầu tư đổ vào cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không càng lớn, ông Gaël Meheust, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CFM International-công ty liên doanh giữa GE (Hoa Kỳ) và Safran (Pháp), nhà cung cấp động cơ máy bay vận chuyển thương mại hàng đầu thế giới cho rằng, không có lý do gì để không nghĩ đến việc sẽ thiết lập một nhà máy sản xuất chuỗi động cơ máy bay tại Việt Nam trong tương lai.
Trao đổi bên lề chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, ông Gaël Meheust đưa ra con số theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 250 triệu lượt người sử dụng đường hàng không, cao gấp ba lần so với năm 2017. Đây được coi là một trong những thị trường tiềm năng chiến lược mà CFM nhắm tới.
“Các hãng hàng không của Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá nhanh với kế hoạch và chiến lược rõ ràng. Do đó, CFM gặp nhiều thuận lợi trong việc phát triển thị trường. Hiện, Công ty đang có mối quan hệ đối tác rất tốt với Vietjet Air và hãng hàng không mới Bamboo Airways,” ông Gaël Meheust nhấn mạnh.
Trả lời về việc đến nay vẫn chưa có nhà sản xuất của Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng cho CFM, vị Chủ tịch này cho rằng, CFM đã và đang làm việc với nhiều đối tác rất lâu năm và có quan hệ chặt chẽ. Vì vậy, ông này đưa ra góc nhìn việc đưa thêm một nhà cung ứng mới cũng có nghĩa là một nhà cung ứng khác phải rời đi. Do đó, trước mắt, Công ty vẫn đang làm việc với những nhà cung ứng lâu năm của mình.
Tuy nhiên, ông Gaël Meheust thừa nhận điều này không có nghĩa là CFM sẽ không có thêm những đơn vị sản xuất mới. Khi có những kế hoạch mới, CFM sẽ vẫn gửi thông tin tới các nhà cung ứng và khả năng hợp tác trong tương lai là điều có thể xảy ra.
Về cung ứng linh kiện, phụ tùng, trước mắt, CFM cũng luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp ở Việt Nam nếu như có thể đảm bảo chất lượng cũng như giá thành của sản phẩm.
Nhấn mạnh CFM đã đàm phán thành công về động cơ với các hãng bay nước ta, ông Gaël Meheust cho rằng, CFM bị thu hút bởi mô hình kinh doanh về thị trường Việt Nam.
Đơn cử như hãng hàng không Vietjet đang ngày càng thu hút nhiều hơn số lượng người di chuyển bằng đường hàng không do các chính sách về giá vé. Và, số lượng máy bay của hãng cũng tăng lên, điều này khiến CFM cảm thấy rất lạc quan và quan trọng khi đồng hành cùng đối tác này trong tương lai.
Khẳng định an toàn luôn là ưu tiên số một của tất cả nhà sản xuất và hãng hàng không, trước khi một sản phẩm được đưa ra thị trường, CFM đều phải trải qua những bài kiểm tra và kiểm định hết sức nghiêm ngặt.
“Về một số vụ tai nạn gần đây có liên quan đến động cơ CFM, do vẫn đang trong quá trình điều tra nên Công ty sẽ không đưa thêm những bình luận công khai, tuy nhiên động cơ của CFM rất an toàn,” ông Gaël Meheust khẳng định.
Bày tỏ cam kết mang lại những lợi ích rất lớn cho khách hàng, từ chi phí mua, chi phí nhiên liệu, hiệu suất sử dụng hay thời gian bảo hành, theo ông Gaël Meheust, động cơ của CFM có hiệu suất sử dụng trung bình đạt 96%/năm, tức là khả năng bay đạt 350 ngày/năm, cao hơn khoảng 15-20% so với những nhà sản xuất khác. Vì vậy, với hãng Boeing, đặc biệt là dòng máy bay 737 MAX sử dụng 100% động cơ của CFM.
Còn với hãng Airbus, các hãng hàng không khi mua hay thuê máy bay được quyền lựa chọn động cơ nên việc cạnh tranh rất khốc liệt. Tuy nhiên, với những dòng máy bay Airbus, thị phần của Công ty này đang chiếm hơn một nửa thị trường (khoảng 58%).
Kể từ khi chiếc động cơ đầu tiên được bàn giao vào năm 1982, tới nay CFM đã nhận được vô số đơn đặt hàng từ hơn 590 hãng hàng không khắp thế giới cho hơn 50.000 động cơ LEAP và CFM56, trong đó có 33.000 động cơ đã được bàn giao.
Động cơ LEAP là động cơ được sử dụng cho máy bay thân hẹp. Tuy nhiên, động cơ của CFM hoàn toàn có thể áp dụng cho máy bay đường dài. Được biết, Công ty này cũng đã có gửi đề xuất cho Beoing về một số dự án máy bay cỡ trung mới và CFM có thể là một trong những ứng viên được lựa chọn để lắp đặt động cơ cho những máy bay này.
Tính đến tháng 11/2018, LEAP đã chắp cánh hơn 1,5 triệu chuyến bay với hơn 2,5 triệu giờ bay cho hơn 550 máy bay của 80 hãng hàng không trên toàn thế giới. Động cơ cũng cho thấy độ tin cậy đặc biệt với khả năng khai thác lên đến 11 chuyến bay một ngày, rất nhiều trong số đó chỉ mất 25 phút để xoay vòng chuyến.
Theo TTXVN