Cha mẹ hết yêu, đừng tưởng con không mỏi mệt

Đời sống - Ngày đăng : 15:02, 08/12/2018

Khi vợ chồng hết yêu thương, tình cảm “rạn vỡ”, dù ở với nhau hay chia tay cũng đều ảnh hưởng đến con cái. Nhiều gia đình cha mẹ vẫn ở với con nhưng cuộc chiến của cha mẹ làm cho con cái vô cùng mệt mỏi.

Trong gia đình mỗi đứa trẻ đều cần cả cha lẫn mẹ chứ không chỉ một người - Ảnh: Gia Tiến

Cô bé Y.N., 14 tuổi, xinh đẹp như người mẫu và nói tiếng Anh như người bản ngữ. Hiện Y.N. đang học tại một trường quốc tế với học phí khoảng 60 triệu đồng/tháng, có xe đưa rước hằng ngày. 

Về vật chất, dường như cha mẹ Y.N. không để con thiếu một thứ gì nhưng gương mặt cô bé lúc nào cũng buồn, rất hiếm khi nở nụ cười.

Ngột ngạt từ bên trong

Chỉ khi đến nhà Y.N. chơi mới thấy trong ngôi nhà rộng rãi, tiện nghi sang trọng ấy không khí gia đình thật ngột ngạt. 

Từ lúc mang thai Y.N., mẹ Y.N. đã phát hiện ra mình không hợp gì với ba Y.N. nhưng bà không đủ can đảm bỏ ba Y.N. để một mình nuôi con. Vì vậy, Y.N. lớn lên cùng với những trận cãi vã của ba mẹ, những bất đồng quan điểm, những tranh cãi mà Y.N. cũng không biết được ai đúng ai sai.

Đằng sau những tranh cãi ấy thì cả ba và mẹ đều chiều Y.N. hết mực. Chỉ cần Y.N. nói con thích ăn gì, mua gì, đi đâu thì ba sẽ làm ngay cho Y.N., còn mẹ sẵn sàng bỏ cả công việc yêu thích để tự tay chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho con... 

Dù được cả ba mẹ cùng cưng chiều nhưng chưa bao giờ cô bé cảm thấy hạnh phúc. Vì lúc bên mẹ, mẹ sẽ kể về ba rất xấu, còn lúc bên ba, ba lại coi mẹ không ra gì. 

Lâu ngày Y.N. không thích nói chuyện với ba mẹ nữa mà tìm niềm vui trong chiếc máy vi tính hoặc chiếc điện thoại thông minh. Cho đến một ngày, mẹ Y.N. phát hiện ra cô con gái duy nhất của mình đã bị "nghiện" máy vi tính, điện thoại. 

Chỉ cần không cho Y.N. dùng những thiết bị này nữa là cô bé sẵn sàng nổi khùng, thậm chí đòi chết nếu không được vào mạng tiếp. Mẹ Y.N. đang phải từng bước giúp con cai "nghiện" máy vi tính, điện thoại thông minh.

Mẹ Y.N. nghẹn ngào: "Ngày xưa tôi nghĩ dù không còn chút tình cảm nào với chồng nữa, tôi cũng ráng sống trong một nhà với chồng để con có ba, để con phát triển tốt. Ai dè con lại trở nên như vậy...".

Anh N.N.D., 45 tuổi, ngụ Q.10, TP Hồ Chí Minh chia sẻ chính anh cũng không ngờ cách thương con của mình lại làm cho đứa con trai duy nhất ngày càng trở lên yếu đuối. 

Sau khi lập gia đình với người phụ nữ anh mới quen được 6 tháng, anh cũng phát hiện ra rằng cô ấy không hợp với anh. Lúc đó, vợ anh đang mang thai đứa con trai của anh bây giờ. 

Từ lúc phát hiện ra cuộc hôn nhân không hề hạnh phúc này, anh đã nói với vợ là không muốn sinh thêm con nữa.

Khi con trai ra đời là lúc anh ý thức được cần phải bù đắp cho con mọi thứ khi anh không tạo được một gia đình hạnh phúc cho con. Anh chăm chút con thật kỹ, làm mọi việc cho con. Ngay cả khi đi công tác trong nước hay nước ngoài anh cũng cho con đi theo.

Anh tự hào khoe với mọi người là con trai anh thích đi với ba hơn mẹ. Con anh thường nói đi với ba được đến nhiều nơi sang trọng, còn đi với mẹ thì chán lắm. Anh làm mọi cách để con nghiêng hẳn về phía anh. 

Cho đến một ngày, anh giật mình khi thấy con trai anh đã 12 tuổi nhưng việc gì cũng không tự làm được mà đều cần ba giúp đỡ. Con vẫn ôm anh, cầm tay anh, muốn anh ở bên như những đứa trẻ mới khoảng 4-5 tuổi. 

Họ hàng, người thân của con cùng nhận xét được ba cưng quá, con trai anh dường như quá phụ thuộc vào ba, con không chịu lớn.

Vợ anh D. thì nhiều lần tức phát khóc khi chồng chị luôn tỏ ra coi thường chị trước mặt con. Con bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm chị bất hạnh cùng với cuộc hôn nhân này. 

Chị cũng xác định sống như thế vì con. Chị vẫn tự an ủi chồng chị dù sao cũng có ưu điểm rất lớn là thương con hết mực, anh ấy lại làm kinh tế được nên lo cho con học hành chu đáo. Chỉ có điều anh chăm chút con quá cũng làm hại con. Con 12 tuổi nhưng cái gì cũng không biết làm. 

Chị cũng nhiều lần góp ý với anh, nhưng vốn coi thường chị nên anh thường bỏ ngoài tai.

Những đứa trẻ không hạnh phúc

Một cô giáo dạy giỏi trong nhiều năm kể khi gia đình một học sinh cô dạy có vấn đề gì đó, cô dễ dàng phát hiện bằng cách quan sát học sinh học. Điểm chung của những học sinh mà gia đình có vấn đề là: mất tập trung trong khi học. 

Có những học sinh trước đó rất vui vẻ, tập trung, học giỏi nhưng sau đó con có biểu hiện mất tập trung, gương mặt luôn buồn, học hành sa sút... Khi cô hỏi chuyện học sinh đó thì biết em đang buồn bã, lo lắng về chuyện ba mẹ cãi nhau, ba mẹ chuẩn bị chia tay...

Nhiều cặp vợ chồng sống không hạnh phúc, khi còn sống một nhà đều ra sức tranh giành tình cảm của con, nhất là khi chỉ có một người con duy nhất. 

Trong lúc tranh giành tình cảm, hai bên sẵn sàng nói xấu đối phương mà không hề biết rằng cách nói xấu nhau như vậy đã làm tổn thương đến trẻ vì đó là hai người trẻ yêu thương nhất. 

Trẻ không biết đặt niềm tin vào đâu, trẻ rất dễ bấu víu vào những điều khác như nghiện chơi mạng, yếu đuối, dễ kết bạn với những người xấu hoặc nghiện hút chích... 

Khi hai vợ chồng không còn tình cảm như trước nữa, họ có thể quyết định sống chung tiếp hoặc chia tay, nhưng dù thế nào cũng đừng nên nghĩ bản thân mình có thể bù đắp được cả tình cảm của người còn lại. 

Do vậy, cách tốt nhất là hai người cần ngồi lại để bàn tính sao cho con có được tình cảm của cả ba lẫn mẹ. Ngoài ra, nên nhìn thấy và nói về những điểm tốt của người vợ, người chồng của mình để con luôn cảm thấy vững tin về những đấng sinh thành, để con học tập, noi theo.

Giảm thiểu hậu quả cho con

Trong thực tế, cũng có một số cặp vợ chồng đã chia tay mà nhiều người không biết vì những dịp ở trường con cần đến ba mẹ, ba mẹ vẫn sắp xếp đến cùng con.

Họ còn cùng nhau bàn bạc để sao cho con được học tập, vui chơi phát triển một cách tốt nhất.

Một người cha tâm sự: "Dù tôi biết vợ chồng tôi không thể cho con có một cuộc sống hoàn hảo như những gia đình hạnh phúc khác, nhưng chúng tôi cố gắng giảm thiểu những "hậu quả không đáng có" khi hai vợ chồng không còn yêu thương nhau như ngày xưa nữa".

THÙY DƯƠNG (Tuổi trẻ)