Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người
Tin tức - Ngày đăng : 16:37, 08/12/2018
Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là một trong những cơ chế quan trọng của Hội đồng Nhân quyền được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, cùng với sự ra đời của Hội đồng Nhân quyền, có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, không phân biệt lớn nhỏ, phát triển và đang phát triển, định kỳ bốn năm rưỡi/lần. Là một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát. Đến nay, hầu hết các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát mà Việt Nam chấp thuận đã và đang được thực hiện tích cực, nghiêm túc.
Nỗ lực xây dựng Chính phủ phục vụ nhân dân
Việt Nam lần đầu tiên thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát vào tháng 5.2009, nhận được 123 khuyến nghị, trong đó Việt Nam chấp thuận 96 khuyến nghị, 5 khuyến nghị khác đã và đang được Việt Nam thực hiện trên thực tế tại thời điểm rà soát. Các khuyến nghị còn lại không được chấp thuận do không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam. Kể từ lần rà soát Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II (năm 2014), Việt Nam đã nhận được 227 khuyến nghị từ 106 quốc gia và chấp thuận 182 khuyến nghị. Từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ nhằm hoàn thiện pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, tạo nền tảng vững chắc mang lại những kết quả thực tiễn đáng khích lệ.
Đến nay, nhiều chính sách mới quan trọng đã được ban hành với mục tiêu để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, đặc biệt là nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động.
Ngày 18.11.2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ Nhiệm kỳ 2016-2021 khẳng định nỗ lực xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, trong đó một trong những nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng bộ máy Chính phủ tinh gọn, kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, phát huy dân chủ, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chương trình hành động cũng đề ra một số nhóm nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến quyền con người như “phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, “chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xã hội và giảm nghèo bền vững” và “phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực đời sống; tập trung xây dựng con người”.
Tư duy “Chính phủ kiến tạo” phục vụ nhân dân được thể hiện nhất quán trong nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án của Chính phủ Việt Nam từ 2016 đến nay. Tiêu biểu là Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016- 2020 với một trong những trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công. Cho đến cuối năm 2017, hơn 5.000 thủ tục hành chính đã được cắt giảm và đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, xây dựng và công bố công khai hàng năm Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Thúc đẩy phát triển bền vững
Chính phủ tập trung thúc đẩy các chính sách về phát triển bền vững, lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020. Với cam kết mạnh mẽ triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên của quốc gia. Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh được thành lập; nhiều bộ, ngành, địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng phát triển bền vững. Ngoài sự ra đời của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, còn có nhiều sáng kiến tương tự của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.
Kể từ lần rà soát trước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Năm 2016, Chính phủ ban hành 2 chương trình trọng điểm: Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (dự trù kinh phí 48.397 tỷ đồng), Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016-2020 (dự trù kinh phí 193.155,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số văn bản quan trọng khác về nông nghiệp được ban hành: Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020, định hướng 2030, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nỗ lực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp được tăng cường với việc thông qua Luật nhà ở 2014, ban hành Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, phòng chống bão lụt; Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo ở khu vực nông thôn.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025, Kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020.
Bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương
Nhiều chính sách về bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương được ban hành. Luật Trẻ em 2016 tạo dựng khung pháp lý quan trọng về quyền trẻ em; thể hiện rộng hơn các nội dung về quyền trẻ em, các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em, quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em, cấp độ bảo vệ trẻ em, trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, các biện pháp chăm sóc thay thế, bảo vệ trẻ em trong tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời có riêng một chương quy định về trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 dành riêng Chương XVIII với 18 điều về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh (tháng 4.2016) và tại Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp (tháng 8.2017).
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17.7.2017 về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020; Dự án phát triển Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”...
Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới. Hiến pháp 2013 sửa quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ tại Hiến pháp 1992 thành “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Cách tiếp cận này cũng được thể hiện trong nhiều đạo luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính, thay đổi tên người đã xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính. Hiện nay, các cơ quan đang tham vấn, xây dựng Luật chuyển đổi giới tính. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định mọi cá nhân được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Luật Đất đai 2013 khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong tham gia định đoạt tài sản chung, kể cả việc ghi tên cả vợ và chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đang được nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng giảm khoảng cách về tuổi giữa lao động nam và lao động nữ.
Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Đề án “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015-2020”; Đề án bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, Đề án “Thực hiện biện pháp bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.
Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế nhằm bảo đảm quyền của người khuyết tật. Tháng 2.2015, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Ngày 6.10.2015, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về người khuyết tật. Nhiều chương trình, đề án liên quan đến người khuyết tật được ban hành như Kế hoạch quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020, Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị phơi nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nhiễm chất độc da cam, trẻ em bị khuyết tật, ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020. Chính phủ bảo đảm trợ cấp xã hội cho người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP về Quy định trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025 cũng đang được xem xét phê duyệt.
Quyền của người cao tuổi tiếp tục được thúc đẩy thông qua Chiến dịch Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2014-2020, Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau giai đoạn 2016-2020. Tháng 4.2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.
Về việc bảo đảm quyền của người lao động, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016-2020, Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Bộ luật Hình sự 2015 cũng cập nhật các quy định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động. Hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do có những quy định chặt chẽ về lao động như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, khẳng định cam kết bảo đảm quyền của người lao động.
NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN)