Trở ngại trong điều trị cho trẻ nhiễm HIV/AIDS

Xã hội - Ngày đăng : 12:01, 12/12/2018

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS cần được điều trị kịp thời bằng thuốc và các biện pháp tâm lý. Nhưng hiện công tác này đang gặp nhiều trở ngại.


Nếu không có sự theo dõi sát sao về mặt tâm lý, trẻ nhiễm HIV/AIDS dễ rơi vào trạng thái sốc, có suy nghĩ cực đoan 

Khó tuân thủ y lệnh

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 70 trẻ em đang điều trị HIV/AIDS. Hầu hết các em bị lây nhiễm từ mẹ. Quá trình điều trị cho các em gặp nhiều khó khăn hơn so với người lớn. Nếu người lớn chỉ cần một lượng thuốc ổn định thì với trẻ em lượng thuốc có sự thay đổi thường xuyên do cân nặng của các em thay đổi. Một số gia đình vì sợ con em mình không có cơ hội học hành, bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên đã giấu các em về tình trạng bệnh. Điều này làm cho trẻ không được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, ý thức phòng chống lây nhiễm cho mọi người. Theo các bác sĩ chuyên khoa, gia đình cần cho trẻ biết bệnh của mình để có sự phối hợp trong điều trị và dự phòng lây nhiễm cho những người xung quanh. Không ít trường hợp, các y, bác sĩ phải đến tận nhà để vận động gia đình cho trẻ đi điều trị.

Việc uống thuốc, đi khám của trẻ hầu hết phụ thuộc vào người chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong số các em đang điều trị HIV/AIDS trong tỉnh thì có khoảng 30 em mồ côi, được ông bà nội, ngoại, người thân nuôi dưỡng, chăm sóc. Một số em ở với ông bà cao tuổi, trí nhớ không còn tốt nên đôi khi việc cho trẻ uống thuốc đúng thời gian, liều lượng chưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Một số trường hợp lại hay thay đổi người chăm sóc, nuôi dưỡng khiến việc nhắc nhở uống thuốc và theo dõi sức khỏe của trẻ bị đứt quãng, gây những khó khăn nhất định trong quá trình điều trị cho trẻ bằng thuốc kháng virus ARV. Một số trường hợp, bố mẹ của trẻ cũng đang nghiện ma túy và bản thân họ còn không tuân thủ nghiêm việc điều trị chứ chưa kể đến việc chú ý theo dõi quá trình điều trị cho con.

Cần sự quan tâm, chia sẻ

Theo bác sĩ Vũ Tiến Vượng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh), việc điều trị HIV/AIDS ở mỗi lứa tuổi lại gặp những khó khăn khác nhau. Nếu như trẻ dưới 10 tuổi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc, theo dõi của người thân thì khi trẻ bước vào tuổi dậy thì càng khó khăn hơn. Ở lứa tuổi này, do trẻ đã nhận thức đầy đủ về căn bệnh của mình nên thường mặc cảm, tự ti. Một vài trường hợp trẻ không hợp tác trong quá trình điều trị như bỏ uống thuốc, không muốn đi khám bệnh, theo dõi sức khỏe. Nếu không có sự theo dõi sát sao về tâm lý, trẻ dễ rơi vào trạng thái sốc, có suy nghĩ cực đoan.

Hai mẹ con chị C.T.L. (42 tuổi) ở xã An Lạc (Chí Linh) đều bị nhiễm HIV. Năm nay, con chị L. 13 tuổi - độ tuổi có nhiều thay đổi, biến động về tâm, sinh lý. Chị L. cho biết: "Tôi đã cho con biết tình trạng bệnh tật từ trước nhưng khi con bước sang tuổi dậy thì, tôi vẫn không khỏi lo lắng. Nhiều lúc tôi thấy con im lặng, không muốn nói chuyện, chia sẻ cùng ai, vẫn mặc cảm, tự ti với bạn bè. Tôi chỉ sợ ở lứa tuổi nhạy cảm này, chỉ vì một vài kỳ thị của người xung quanh cũng có thể khiến con trở nên bi quan. Tôi không biết phải làm thế nào để có thể tâm sự, chia sẻ với con nhiều hơn".

Không chỉ là người trực tiếp khám, điều trị, các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh còn thường xuyên quan tâm, hỏi han, động viên các em. Những cuộc nói chuyện, tâm sự xung quanh cuộc sống thường nhật, việc học hành, mối quan hệ giữa bạn bè, giải đáp khúc mắc tuổi dậy thì cũng giúp các em trở nên cởi mở, tin tưởng các y, bác sĩ hơn. Nếu cộng đồng  bớt đi sự kỳ thị, không phân biệt đối xử thì sẽ giúp quá trình điều trị cho trẻ nhiễm HIV/AIDS thuận lợi hơn, đó chính là mong mỏi của các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh nhằm giúp những trẻ em không may có cuộc sống như mọi người. 

HUYỀN TRANG