Nhếch nhác quán võng vỉa hè

Xã hội - Ngày đăng : 14:34, 13/12/2018

Việc lấn chiếm vỉa hè, tận dụng hàng cây để kinh doanh, buôn bán đã khiến những đoạn đường này trở nên nhếch nhác, xấu xí.


Quán nước mắc võng lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ

Trà đá vỉa hè là thứ dễ tìm ở thành phố, xuất hiện ở bất cứ đâu từ những con ngõ chật hẹp đến các con phố rộng lớn, từ cổng trường đến bến xe, cổng bệnh viện... Nhiều quán trà đá, vỉa hè giờ đây còn có thêm những chiếc võng để chiều lòng "thượng đế".

Dạo quanh khu đô thị phía tây TP Hải Dương, đoạn gần khách sạn Nam Cường có thể bắt gặp vài quán võng. Gọi là quán võng bởi những quán nước này khác với quán giải khát vỉa hè thông thường do có thêm những chiếc võng mắc dưới gốc cây. Với không gian rộng rãi, mát mẻ, quán võng là điểm lý tưởng để nghỉ chân sau một hành trình dài hoặc muốn ngả lưng, chợp mắt, hóng mát. Điểm chung của những quán võng là nằm ở dưới những hàng cây cao, vừa tận dụng bóng râm tránh nắng, vừa thuận tiện cho việc mắc võng. Võng mắc nối tiếp nhau hoặc giăng kín lối đi, lấn chiếm toàn bộ vỉa hè của người đi bộ.

Bà Hoàng Thị Nhuận, 45 tuổi, ở khu Đỗ Xá, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đã có 10 năm gắn bó với công việc bán nước ven đường, một công việc không quá vất vả nhưng thu nhập ổn định. Những ngày đông khách bà được vài trăm nghìn đồng, ngày vắng cũng được vài chục nghìn đồng.

Ở khu dân cư của bà Nhuận, nhiều người chọn công việc bán nước mưu sinh. Dù thu nhập không cao nhưng ở cái tuổi như bà hoặc hơn, tìm một công việc tại các doanh nghiệp không phải dễ. Đồ nghề để bán trà đá, nước mía vỉa hè khá đơn giản. Chỉ vài phích nước, bình trà, nước ngọt đóng chai, vài phong kẹo lạc, kẹo cao su, hộp thuốc lá, hướng dương, điếu cày… là gần như đủ phục vụ khách. Quán nước với khoảng chục bộ bàn ghế xếp đặt lưa thưa... Nếu khách muốn tìm một chỗ ngồi khác, có thể mang bàn ghế đặt ở bất cứ đâu trên đoạn vỉa hè rộng này. Phía hàng cây mắc 6 chiếc võng nối tiếp nhau. Bà Nhuận cho biết: “Võng mắc cho ai muốn ngả lưng thì nằm, khách thích nằm đến bao giờ cũng được. Tôi không tính tiền võng, chỉ tính tiền nước”.

Khách của quán chủ yếu là công nhân, lao động chân tay, xe ôm, lái xe taxi… Chỉ vài đồng lẻ, khách có thể ngồi uống nước, tán chuyện, ngả lưng hàng giờ. Là nhân viên tiếp thị thức ăn chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Trung, quê Phú Thọ đến Hải Dương làm việc đã gần 3 năm nay. Mỗi lần có việc qua đây, tiện đường anh lại ghé quán. Theo anh Trung, không gian rộng rãi, thoáng mát, khách có thể ngồi ghế hoặc ngả lưng trên võng mà không sợ bị làm phiền. 

Tuy nhiên, những hàng cây rợp bóng mát vốn dĩ là nơi điểm tô cho thành phố, là những tuyến đường xanh, sạch, văn minh. Việc lấn chiếm vỉa hè, tận dụng hàng cây để kinh doanh, buôn bán đã khiến những đoạn đường này trở nên nhếch nhác, xấu xí. Bởi ở đó vẫn còn những vết ố vàng của nước chè thừa khô lại, đầu mẩu thuốc lá, vỏ kẹo, vỏ hướng dương… vương vãi. Nó đã khiến cho bộ mặt đô thị trở nên thiếu gọn gàng, ngăn nắp.

Ông Phạm Công Quân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương cho biết hiện tại vẫn chưa có cơ chế nào cho phép bán hàng trên vỉa hè, mắc võng cũng không được phép. Phòng đã tham mưu với UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các phường tăng cường tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Tứ Minh cho biết mặc dù phường đã nhắc nhở, thậm chí thu giữ bàn ghế nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

HN