Xử lý người đứng đầu khi để xảy ra ''sự cố" trong cổ phần hóa. Bài 1: Thâu tóm lợi ích khiến tài sản chung thất thoát
Kinh tế - Ngày đăng : 16:00, 13/12/2018
Cảng Quy Nhơn đang hoàn thiện hệ thống cần cẩu hàng. Ảnh: dantri.com.vn
Định giá rẻ để trục lợi
Năm 2018 là năm đánh dấu nhiều vụ việc “lùm xùm” bị phanh phui, liên quan tới hoạt động định giá doanh nghiệp khi cổ phần hoá.
GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển dẫn chứng: Có nhiều trường hợp tổng công ty nhà nước bị thiệt hại khi mua cổ phần, trong đó, vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) là trường hợp điển hình ở quy mô cực lớn của việc đẩy giá mua - bán DNNN. Theo Thanh tra Chính phủ, thương vụ gần 8,9 nghìn tỷ đồng này đã gây thất thoát cho nhà nước khoảng hơn 7 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có quyết định thi hành kỷ luật một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về trách nhiệm liên quan trong dự án MobiFone-AVG.
Một vụ việc khác liên quan cổ phần hoá tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Khi cổ phần hoá, thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng; còn cổ phần lần đầu bán ra công chúng, giá trị doanh nghiệp của Hãng Phim truyện Việt Nam được xác định ở mức 50 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ nhìn riêng mảnh “đất vàng” ven hồ Tây của hãng phim này đã có thể thấy trị giá của Hãng cao hơn con số 50 tỷ đồng rất nhiều. Thế nhưng, Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng nghìn mét vuông đất vàng tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) mà hãng phim đang thuê lại của Nhà nước.
Thương vụ mua bán Cảng Quy Nhơn cũng có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước và đã có sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ. Theo các chuyên gia kinh tế, cảng này vào thời điểm sau cổ phần hoá có giá hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ được bán vài trăm tỷ đồng. Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP) là không rõ ràng, thiếu nhất quán: ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Nhìn nhận một loạt các vụ việc có dấu hiệu trục lợi trên, điểm chung dễ nhận thấy là giá trị của các doanh nghiệp trong khi cổ phần hoá được định giá rất thấp, khiến Nhà nước chỉ thu về số tiền nhỏ nhoi so với giá trị thực tế.
Không chỉ vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận: Khi thực hiện cổ phần hoá, một số doanh nghiệp còn lợi dụng di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá. “Việc quản lý đất đai doanh nghiệp ở địa phương thuộc về cấp tỉnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước, không thu hồi và không thực hiện đấu giá theo quy định Luật Đất đai. Doanh nghiệp cổ phần hay của Nhà nước sau khi chuyển đổi mục đích vẫn phải thu hồi để đấu giá nhưng vừa qua có một số trường hợp không đấu giá khiến nhiều ý kiến cho rằng như vậy làm thất thoát và lãng phí”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Mạnh tay chặn “đi đêm”
Vấn đề tránh thất thoát tài sản nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất và giá trị doanh nghiệp vào khi tiến hành cổ phần hoá đang được rất nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm. Đặc biệt, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế khẳng định: phải xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nên bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn. Cần bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần; định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn.
Liên quan tới việc bán Cảng Quy Nhơn, tại Hội nghị đổi mới DNNN mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Một cảng lớn như thế mà bán rẻ như là cho không, gây thất thoát tài sản nhà nước, phải xử lý nghiêm để lập lại kỷ cương, lập lại trật tự trong cổ phần hoá”. Thủ tướng khẳng định: Không thể bán cảng, bán sân bay cho tư nhân để rồi mất vị trí trọng yếu của đất nước. “Tôi đi cảng ở Hà Lan, họ là tư nhân nhưng thuê đất hàng năm của Nhà nước, chứ không phải bán hết để rồi không còn gì cho con cháu sau này”, Thủ tướng nói.
Trả lời dư luận thắc mắc vấn đề này, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết: Bộ Giao thông Vận tải đang thành lập một Tổ để kiểm kê, rà soát, định giá Cảng Quy Nhơn. Hiện Cảng Quy Nhơn có 100% vốn tư nhân, phương án thoái vốn trở lại cho Nhà nước nắm giữ 75% đang được tiến hành theo thủ tục. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến sai phạm. Việc này đang được tiến hành theo quy trình xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính. Kết quả xử lý kỷ luật sẽ công bố công khai để người dân được biết.
Để tránh tình trạng ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn… gây bức xúc dư luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu từng bộ ngành, địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN và người đứng đầu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc để làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới. Đó là: Cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hoá ngay cả doanh nghiệp có hiệu quả để thu hút vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng.
“Cổ phần hoá phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hoá dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng. Phải chống bằng được hiện tượng ‘đi đêm’ trong cổ phần hoá”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Bài 2: Bãi nhiệm lãnh đạo nếu để “đầu voi đuôi chuột”
Theo TTXVN