6 nguyên nhân khiến học sinh không hạnh phúc khi đến trường
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:36, 15/12/2018
Đó một trong những ý kiến của các chuyên gia giáo dục tại tọa đàm “Hành động vì hạnh phúc học sinh” do trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh công bố chiều 14.12 với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và sinh viên.
Những con số biết nói
Tại tọa đàm, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh công bố một khảo sát do ông và các cộng sự thực hiện dựa trên kết quả điều tra trên 181 học sinh THCS khối lớp 6, 7, 8 đã lựa chọn 10 điều mong đợi trong thang đo 76 điều được khảo sát.
Kết quả, có 82,4% học sinh muốn tổ chức học tập được xen kẽ với việc chơi, trao đổi, thảo luận; 75,4% các em cũng khẳng định thầy cô đừng cho học thuộc lòng nhiều. 74% em cũng muốn thầy cô đừng nhắc nhiều lần môn học này là môn rất quan trọng; 70,2% muốn thưởng điểm hay khen tặng và động viên nhiều hơn trách phạt; 66,3% muốn bớt bài tập về nhà nếu có thể; 62,4% muốn được tăng cường thực tế, khám phá thực tiễn, dã ngoại; 60% muốn chấp nhận những suy nghĩ hành vi chưa giống như người khác mong đợi.
Gần 93% học sinh mong muốn giáo viên cười nhiều hơn
Đặc biệt, có đến 92,8% học sinh mong muốn thầy cô sẽ cười nhiều hơn; 84% học sinh mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm gì sai; 82,4% mong muốn thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn bè hay nhiều người.
6 điều khiến học sinh không hạnh phúc
Cũng tại tọa đàm, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý giáo dục, các nhà giáo… đã có nhiều ý kiến, đề xuất hướng đến hạnh phúc của học sinh trong trường học.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay có không ít phụ huynh đã làm ảnh hưởng đến hành trình đi tìm hạnh phúc của học sinh bằng những hành động bộc phát, hành xử chưa chuẩn mực mỗi khi không vừa lòng với giáo viên.
Ông Khiêm hy vọng phụ huynh tương tác nhiều hơn với giáo viên, hiểu giáo viên nhiều hơn, đặt bản thân vào vị trí của giáo viên, qua đó có thể cùng giáo viên có những cách dạy, giúp đỡ con cái ngày càng giỏi hơn, tiến bộ hơn. “Mặc khác, để học sinh hạnh phúc khi đến trường, thì giáo viên hãy làm hết trách nhiệm của mỗi người thầy, người cô bằng năng lực thật sự, biết lắng nghe tâm tình của học sinh, và nhất là khi đã chọn nghề giáo thì hãy làm vì học sinh”, ông Khiêm nói.
Bà Trần Thị Thu Ngân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho rằng ngoài phương pháp dạy học hứng thú, quan tâm học sinh thì có nhiều yếu tố làm cho học sinh có được sự hạnh phúc khi đến trường chẳng hạn như cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, môi trường học tập chất lượng và thậm chí là cả nhà vệ sinh sạch sẽ…
Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 đã mạnh dạn chỉ ra 6 nguyên nhân khiến học sinh không hạnh phúc khi đến trường mà chủ yếu nằm ở giáo viên.
“Thứ nhất là năng lực người thầy yếu, không truyền đạt được kiến thức khiến học sinh ủ rủ, lúc này người thầy không khác gì bác sĩ gây mê; thứ 2 là người thầy không yêu nghề; thứ 3, người thầy thiếu cái tâm cái tình; thứ 4, người thầy thường xuyên chửi rủa học sinh; thứ 5 là thầy yếu vi tính, yếu ngoại ngữ và thứ 6 là thiếu cập nhật thông tin thời đại để trong lúc daỵ truyền đạt, gây hứng thú cho học sinh”, thầy Phú nói.
Thầy Huỳnh Thanh Phú chỉ ra 6 nguyên nhân từ giáo viên khiến học sinh không hạnh phúc
Cũng theo thầy Phú, để làm học sinh vui, mỗi năm ông mời về trường trung bình từ 50- 60 người nổi tiếng trên nhiều lình vực, đặc biệt là giới nghệ sĩ theo yêu cầu của học sinh. Thậm chí, nhà trường sẵn sàng bỏ ra 300 triệu để mời Sơn Tùng M-TP theo yêu cầu của học sinh nhưng hiện tại chưa được.
NGUYỄN DŨNG (Tiền phong)