Phòng ngừa bạo hành học sinh từ đâu?
Chính trị - Ngày đăng : 08:08, 20/12/2018
Ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) thực hiện hành vi dâm ô với nhiều học sinh. Một em học sinh ở Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị 231 cái tát đến mức phải nhập viện. Một cô giáo ở Trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa (Hà Nội) yêu cầu một học sinh tát một học sinh khác vì cho rằng em này mất trật tự. Chưa hết, đầu tháng 12 này, một cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Hữu, huyện Đức Hòa (Long An) đánh học sinh vào lưng và hông. Liên tiếp những sự việc bạo hành học sinh xảy ra gần đây gây rúng động dư luận mà người bạo hành lại chính là các thầy, cô giáo và người đứng đầu cơ sở giáo dục (CSGD).
Những lý do bào chữa cho hành động bạo hành được đưa ra khá quen thuộc như vì áp lực thành tích, nóng giận không kiềm chế được. Song dư luận chưa hài lòng với những lý do đơn giản đó và đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề? Phải nhận diện rõ, “mổ xẻ” thấu đáo nguyên nhân sâu xa phát sinh những sự việc này thì mới đề ra giải pháp “đúng, trúng” để xử lý hiệu quả. Theo tôi, những vụ việc bạo hành học sinh thời gian qua xuất phát từ 4 lý do chính:
Thứ nhất, một bộ phận giáo viên còn nặng tư tưởng quyền uy mang tính "độc tài" trong giáo dục, tự cho rằng mình có quyền đánh, mắng để dạy dỗ học sinh. Tư tưởng này là tàn dư của lối dạy học trong thời phong kiến và cũng là lối dạy học cách đây chưa lâu. Khi ấy, việc thầy đánh, mắng học sinh được coi là một phương pháp giáo dục hiệu quả theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Các phụ huynh thời ấy cũng coi đó là cách để rèn luyện con em mình với suy nghĩ con mình có hư thì thầy mới đánh mắng, làm như vậy thì mới nên người. Còn học sinh dù uất ức song cũng đành cam chịu, cố gắng để lần sau không bị… đánh. Tôi nhớ khi mình còn học tiểu học và THCS cách đây hơn 20 năm, hình ảnh giáo viên lên lớp với cái thước kẻ dùng để kẻ bảng và quật học sinh là chuyện rất bình thường. Những em học kém, mất trật tự còn bị thầy cô cốc đầu, tát vào mặt. Giờ mọi chuyện đã thay đổi. Xã hội ngày càng đề cao giá trị dân chủ, nhân quyền. Những giáo viên nào còn bị tư tưởng quyền uy ấy, còn sử dụng cách giáo dục ấy sẽ có nguy cơ bạo hành học sinh rất cao.
Thứ hai, những sự việc vừa qua cho thấy nhiều khiếm khuyết trong nhân cách, đạo đức của không ít nhà giáo. Bên cạnh một số yếu tố thuộc về tính cách chủ quan của từng nhà giáo, không ít người cho rằng việc đào tạo, rèn luyện đạo đức nghề giáo thời gian qua còn bị xem nhẹ, từ khâu đào tạo sinh viên trong các nhà trường sư phạm đến quá trình bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo trong các CSGD. Những nhà giáo chạy theo đồng tiền phi pháp, vi phạm pháp luật, “bán rẻ” lương tâm mình, không được phụ huynh, học sinh tôn trọng đã không còn hiếm. Những kêu gọi về gìn giữ, phát huy, đề cao đạo đức nghề giáo còn quá chung chung, ít nơi được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn để áp dụng.
Thứ ba, không ít giáo viên hiện nay đang rất yếu về kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp như học sinh ngỗ ngược, học sinh hư. Hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo đều tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên, cán bộ quản lý, song dường như việc đào tạo kỹ năng xử lý tình huống phức tạp chưa được chú trọng. Thế nên khi có tình huống nhạy cảm xảy ra thì nhiều giáo viên lúng túng, hành động bột phát, dễ dẫn tới bạo hành học sinh.
Thứ tư, cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức của nhà giáo hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi bạo hành học sinh. Mặc dù ngành giáo dục đều có cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, mỗi CSGD có tổ chức công đoàn, hội phụ huynh, song hiệu quả kiểm tra, giám sát từ những tổ chức này còn hạn chế.
Từ các căn nguyên trên, thời gian tới, ngành giáo dục cần tăng cường phổ biến, quán triệt, giáo dục các nhà giáo coi trọng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân chủ, quyền con người trong các CSGD. Mỗi nhà giáo phải nhận diện rõ đâu là phương pháp giáo dục được phép áp dụng, đâu là những hành vi vi phạm pháp luật hoặc trái với lương tâm, đạo đức phải tránh. Ngành cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất của mỗi nhà giáo; có tiêu chí cụ thể, thực chất, công bằng để tuyển chọn, sử dụng những giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên” và kiên quyết thải loại giáo viên có tư cách đạo đức kém. Thực hành đạo đức nghề giáo cần được các CSGD cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn để áp dụng phù hợp với thực tiễn thì mới mang lại hiệu quả. Sớm tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng xử lý trong các tình huống phức tạp cho các giáo viên, người quản lý CSGD. Các trường sư phạm cần tổ chức chương trình đào tạo theo hướng quan tâm bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống phức tạp, nhạy cảm. Các CSGD nên tự định ra một bộ quy tắc ứng xử mẫu cho từng tình huống phức tạp để giáo viên áp dụng.
Trước các vụ bạo hành học sinh gây bức xúc dư luận, ngày 6.12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó có nêu một biện pháp là các CSGD tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nghề giáo; thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động xử lý, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra. Vấn đề ở đây là lực lượng nào có thể giám sát thực sự hiệu quả để phòng chống vi phạm đạo đức nghề giáo? Trong việc này, chính các em học sinh và phụ huynh là một lực lượng giám sát thường xuyên và hiệu quả nhất. Khi xảy ra sự việc bạo hành học sinh, phụ huynh và học sinh cần thẳng thắn nêu ý kiến, phản ánh tình hình với tổ chức, cá nhân liên quan. Khi nhận được ý kiến phản ánh từ học sinh, phụ huynh, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc tìm hiểu, xác minh nghiêm túc và xử lý nghiêm minh những vi phạm.
Sự việc ông Đinh Bằng My bị khởi tố và một số nhà giáo khác bị xử lý kỷ luật là bài học đắt giá, đau xót của ngành giáo dục. Để vơi đi những nỗi đau ấy, những biện pháp quyết liệt, những phương thuốc đặc trị từ gốc rễ “căn bệnh” bạo hành học sinh cần sớm được “kê đơn” và áp dụng, nếu không sẽ là quá muộn.
NINH TUÂN