Tổng thống Trump phá hủy chính sách Trung Đông của Mỹ?

Bình luận - Ngày đăng : 16:14, 20/12/2018

Với quyết định rút toàn bộ lực lượng của Mỹ khỏi Syria, Tổng thống Trump đã trao một món quà lớn mừng Giáng sinh và năm mới cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, IS, Điện Kremlin và Iran


Quyết định rút quân khỏi Syria sẽ làm mất đi lợi ích quốc gia của Mỹ ở Trung Đông

Sáng 20.12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter việc Mỹ rút quân khỏi Syria: "Chúng tôi đã đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, đó là lý do duy nhất quân đội Mỹ có mặt ở đó trong nhiệm kỳ của tôi".

IS sẽ trở lại

Ngay sau khi ông chủ Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trên, bà Victoria Nuland, Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ mới, cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề châu Âu và Á-Âu cho rằng quyết định của Tổng thống Trump đã đảo ngược lợi ích quân sự của Mỹ ở Syria và dập tắt mọi đòn bẩy của Ngoại trưởng Mike Pompeo và đặc phái viên của Mỹ tại Syria James Jeffrey, nhằm loại bỏ IS và ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng ở quốc gia Trung Đông này. Quan trọng nhất, ông Trump có thể rơi vào cái bẫy giống như Tổng thống Barack Obama đã làm khi rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Iraq năm 2011. "Với quyết định rút toàn bộ lực lượng của Mỹ khỏi Syria, Tổng thống Trump đã trao một món quà lớn mừng Giáng sinh và năm mới cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, IS, Điện Kremlin và Iran", bà Nuland nói.

Quyết định của Tổng thống Trump gần như sẽ tạo ra sự “phân mảnh” an ninh, tiếp thêm sức mạnh cho IS, thúc đẩy Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và tất cả sẽ dẫn đến kết quả là Mỹ buộc phải quay trở lại Syria với những chi phí quân sự lớn hơn, trong điều kiện bất lợi hơn.

Trên tất cả, quyết định mà theo bà Nuland là có phần “bốc đồng” nói trên sẽ làm mất đi lợi ích quốc gia của Mỹ, theo định nghĩa của chính ông Trump. Đầu tiên, IS vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Chỉ 6 tháng trước, Lầu Năm Góc ước tính có 20.000 - 30.000 tay súng của tổ chức này vẫn hoạt động ở Syria và Iraq. IS có thể không còn kiểm soát những vùng đất rộng lớn bên trong lãnh thổ Syria nhưng các tay súng phiến quân vẫn đang ẩn náu ở khu vực đồi núi khó kiểm soát thuộc phía đông Syria và các ngõ ngách ở Idlib.

Ngay khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sẽ thực hiện 3 động thái. Thứ nhất, IS sẽ lớn tiếng tuyên bố giành chiến thắng trước những “kẻ ngoại đạo”, thúc đẩy một cuộc tuyển quân lớn rầm rộ trên khắp Trung Đông và Nam Á. Thứ hai, IS sẽ đổ quân vào miền Đông Syria. Và cuối cùng, IS sẽ bước ra từ bóng tối để chiếm lại các vùng đất ở miền Đông Syria từ lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn – lực lượng mà theo đánh giá không thể kiểm soát được Raqqa hay bất kỳ vùng đất nào khác ở Syria nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.

Cơ hội cho Iran

Theo nhiều nhà phân tích, Iran cũng sẽ ngay lập tức thiết lập ảnh hưởng ở khu vực mà Mỹ đang từ bỏ. Tehran có thể yêu cầu lực lượng Hezbollah ở phía tây và phía nam Syria hướng về phía đông. Chỉ 3 tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã cam kết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria cho đến khi mọi chiến binh cuối cùng của Iran rời khỏi lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, Nga có lý do để ăn mừng khi giờ đây Mỹ không có quân đội ở Syria và vì thế sẽ chẳng có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria. Theo bà Nuland, Điện Kremlin sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad, củng cố thêm quyền kiểm soát các khu vực còn lại trên lãnh thổ Syria, ít nhất cho đến năm 2021 trước khi Syria bầu cử tìm ra một nhà lãnh đạo mới. Nga giờ đây càng “rộng cửa” hơn để có thể tăng cường ảnh hưởng ở Syria và thay vì tự làm điều đó, Moscow sẽ tăng hỗ trợ ngầm cho các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn vốn được biết đến trên thực tế là lực lượng cảnh sát địa phương ở miền Tây Syria.

Cả IS và SDF cũng sẽ chiến đấu vì những vùng lãnh thổ còn lại chưa nằm trong tay quân đội Syria, điều này có thể tạo ra một chu kỳ đẫm máu mới và Iran sẽ tuồn thêm vũ khí vào Syria. Kết quả là Israel sẽ buộc phải lưu tâm và đưa ra phản ứng. Sau đó, Nga có thể đóng vai trò hòa giải và là cường quốc duy nhất có thể kiến tạo các thỏa thuận chiến lược với Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác có liên quan. Cuối cùng, Nga có thể đạt được mục đích theo đuổi bấy lâu nay là khôi phục vị thế ở Trung Đông thời hậu Xô viết.

Đoạn tweet của Tổng thống Trump chả khác nào một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực ngoại giao trước đó của Mỹ đối với vấn đề Syria. Đặc phái viên Jeffrey đã có một số thành công thầm lặng trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc góp phần thiết lập khu vực giảm căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib hồi tháng 9. Ông Jeffrey đã sẵn sàng đảm nhận công việc làm trung gian kiến tạo một con đường chính trị mới cho Syria khi tiên liệu khả năng Nga thất bại trong việc đàm phán một bản Hiến pháp mới cho Syria trước ngày 31.12.2018. Nếu Mỹ rút đi, thậm chí là những lực lượng được nước này hậu thuẫn sẽ không tham gia vào các nỗ lực ngoại giao do Washington lãnh đạo. Các lực lượng này sẽ quá bận rộn để có thể tự bảo vệ mình khỏi đòn đánh từ IS và lực lượng của Iran.

Trong hàng nghìn dòng tweet trước đó, ông Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama khi quyết định rút quân khỏi Iraq năm 2011 để rồi sau đó phải đưa lực lượng trở lại vào năm 2014. Mỹ hiện có khoảng 5.200 quân được triển khai ở Iraq và phải chi 13,6 triệu USD cho các hoạt động quân sự ở đây mỗi ngày. Bà Nuland cho rằng nếu theo cách tính toán đó, Tổng thống Trump nên coi 2.000 binh sĩ hiện có ở Syria là “một món hời”, một sự bảo đảm cho chính sách và là đòn bẩy quan trọng chống lại những hậu quả tồi tệ hơn cho Syria, cho chính nước Mỹ và cho cán cân quyền lực trên toàn cầu.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)