Trung-Nga: Khi long hùng hội tụ
Bình luận - Ngày đăng : 11:03, 21/12/2018
Trung-Nga, một liên minh mới đang hình thành. Ảnh: SCMP
“Bước chuyển lớn” trong mối quan hệ Trung-Nga đang dần rõ rệt, và “mối đe dọa Mỹ” có lẽ được xem là lý do lớn nhất.
Theo nhiều chuyên gia, liên minh mới giữa Trung Quốc và Nga dường như sẽ có nhiều điểm tương đồng về quy mô và tầm ảnh hưởng với “khối Xô-Trung” trước đây. Tuy nhiên, trong liên minh mới, Trung Quốc có thể sẽ đóng vai “người dẫn đường”, trong khi “gấu Nga” là bên “theo gót”.
“Kẻ thù của kẻ thù là bạn”
Diễn biến thời gian qua cho thấy lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga đều chịu sự tác động nhất định từ phương Tây. Chính điều này đã tạo ra một sự liên kết khiến mối quan hệ Trung-Nga ngày một “gần gũi” hơn. Sự chuyển dịch từ mối quan hệ “lý thuyết” giữa Bắc Kinh và Điện Kremlin sang liên minh địa chính trị ngày một rõ rệt. Bất chấp khác biệt từ cấu trúc ý thức hệ và chính trị, Trung-Nga đang xích lại gần nhau nhằm “đối phó” những gì mỗi bên coi là “mối đe dọa Mỹ”.
Theo nhiều nhà quan sát, nước Mỹ dưới thời Richard Nixon từng tìm cách thiết lập mối quan hệ với Bắc Kinh nhằm gia tăng sự chia rẽ khối Xô-Trung. Washington thời điểm đó cho rằng rạn nứt trong khối Đông Âu giữa Liên Xô và Trung Quốc có thể mở rộng bằng chiến lược ngoại giao khéo léo. Theo đó, Liên Xô sẽ là bên phải gánh chịu ảnh hưởng.
Đối với khối Xô-Trung, nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đã “chơi lá bài Trung Quốc”, song vấn đề đặt ra thời điểm này là liệu Trung Quốc có đang “chơi lá bài Nga” hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng nhiều lần đưa ra nhận định rằng Bắc Kinh và Moskva không có sự tương đồng về lợi ích chiến lược. Ngoài ra, sự khác biệt khá rõ ràng về giá trị, nền văn hóa cũng là trở ngại cản trở “liên minh Trung-Nga”. Thậm chí, giữa Trung Quốc và Nga còn tồn tại một khoảng cách nhất định, di sản từ những gì còn lại sau sự chia rẽ thế kỷ trước.
Trong bối cảnh đó, triển vọng cho liên minh Trung-Nga rõ ràng sẽ vấp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu từ chối “bắt tay” với phương Tây, sự lựa chọn của Nga sẽ là gì nếu không phải “xoay trục về phương Đông”?
Mối quan hệ quốc tế luôn tồn tại một nguyên tắc cơ bản, đó là: “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Sự cân bằng trong sức mạnh giữa các siêu cường, bao gồm quân sự, kinh tế, tình báo và ngoại giao, được coi là yếu tố then chốt. Vì lẽ đó, nếu Bắc Kinh có thể thuyết phục Kremlin “kề vai sát cánh”, chắc chắn “sức nặng” của liên minh Trung-Nga sẽ được gia tăng đáng kể. Một siêu cường hạt nhân bên cạnh một siêu cường kinh tế.
Nước Mỹ kể từ thời Bill Clinton không những “lơ là” sự hình thành liên minh giữa Bắc Kinh và Moskva, thậm chí còn vô tình “thúc đẩy” mối quan hệ này. Theo nhiều nhà quan sát, một trong những bước đi gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới quan hệ Mỹ-Nga là quyết định mở rộng NATO về phía biên giới Nga hồi năm 1996. Điều này buộc Moskva phải tìm kiếm “một cái bắt tay khác” nhằm bảo đảm cho một tương lai an toàn.
Những phát biểu chống Nga, đe dọa lãnh đạo các nước Balkan bằng “mối đe dọa không có thật” từ Nga; những cuộc “cách mạng màu” do Mỹ hỗ trợ nhằm lật đổ chính phủ tại Gruzia hay Ukraine; thậm chí việc Hillary Clinton khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ đã “ủng hộ” các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Quốc hội Nga hồi năm 2011 khiến Vladimir Putin không khỏi hoài nghi về một viễn cảnh “bị phương Tây lật đổ”.
Khi áp lực của Mỹ đối với Nga gia tăng bởi các lệnh trừng phạt từ “sự kiện Crimea” và những nỗ lực ngoại giao nhằm “cách ly” Nga khỏi bàn cờ chính trị thế giới, Trung Quốc lại dường như “dang rộng vòng tay chào đón”. Khi Mỹ và các quốc gia Tây Âu “đè nén”, Trung Quốc lại tạo ra “sự thoải mái” dành cho Nga. Thậm chí, khi Washington thể hiện sự thiếu tôn trọng Putin, chính quyền Tập Cận Bình lại tìm cách nhằm thể hiện sự tôn trọng sâu sắc. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhiều năm qua nhằm thuyết phục Moskva rằng Trung-Nga hoàn toàn có thể trở thành “đôi bạn thân”. Moskva, điểm dừng chân của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Tập Cận Bình phần nào phản ánh điều này.
Liên minh mới
Giới tinh hoa Trung Quốc và Nga khi nhận định về các mối đe dọa hiện tại, “bóng ma” mà họ nhìn thấy chính là Mỹ. Theo nhiều ý kiến, Trung-Nga tin rằng Washington không chỉ thách thức lợi ích chiến lược tại Đông Âu hay khu vực Biển Đông, mà còn tìm cách làm suy yếu chế độ của họ.
Về phần mình, các tài liệu an ninh quốc gia Mỹ đã nhận định Trung Quốc và Nga là những quốc gia cạnh tranh chiến lược, đối thủ chiến lược, thậm chí có thể trở thành “kẻ thù” của Mỹ. Theo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Donald Trump, Trung-Nga hiện đang thách thức sức mạnh, tầm ảnh hưởng và những lợi ích Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Thậm chí, Washington từng chỉ trích Trung-Nga đã có hành động nhằm phá vỡ an ninh và sự thịnh vượng Mỹ. Cả Trung Quốc và Nga đều bị cáo buộc tiến hành nhiều động thái chống lại Mỹ, đặc biệt là can thiệp bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Mỹ tỏ ra “xem nhẹ” sự hợp tác quân sự Trung-Nga. Trước việc 3.000 lính Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quy mô “chưa từng có” với 300.000 lính Nga, nhằm giả định kịch bản xảy ra xung đột với NATO tại Đông Âu, Washington vẫn cho rằng sẽ có ít cơ hội cho một “liên minh mới Trung-Nga” hình thành trong tương lai, ít nhất về phương diện quân sự.
Ngược lại, các tài liệu an ninh quốc gia của Trung Quốc và Nga gọi mối quan hệ Trung-Nga là “đối tác chiến lược toàn diện”. Theo chính quyền Bắc Kinh, đây là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, đồng thời là mối quan hệ tốt nhất giữa các nước lớn. Trong khi Trung Quốc mô tả mối quan hệ với Nga “như răng với môi”, từ ngữ mà phía Nga sử dụng về mối quan hệ này là “toàn diện, bình đẳng, dựa trên niềm tin và hợp tác chiến lược”.
Một vài năm trở lại đây, Kremlin không chỉ bán cho Bắc Kinh nhiều khí tài quân sự hiện đại, các hệ thống phòng không tiên tiến, bao gồm cả tổ hợp tên lửa S-400, mà còn tích cực hợp tác phát triển và chế tạo các loại động cơ tên lửa cũng như thiết bị bay không người lái (UAV).
Trên mặt trận ngoại giao, Trung-Nga luôn tìm cách phối hợp nhằm đạt được lợi ích tốt nhất trong nhiều vấn đề quốc tế. Sự đồng thuận của Trung Quốc và Nga đạt tỷ lệ cao tại các cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ. Thậm chí, Nga đã ủng hộ mọi quyền phủ quyết của Trung Quốc kể từ năm 2007 đến nay.
Về kinh tế, giới quan sát cho rằng Moskva đang tiến hành nhiều động thái tuy chậm nhưng chắc trong chiến lược “xoay trục phương Đông”. Trung Quốc từ lâu đã thế chân Mỹ và Đức, trở thành “bạn hàng” số một của Nga. Với việc hoàn thành dự án xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) vào năm 2019, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác nhập khẩu khí đốt lớn thứ hai của Nga, chỉ sau Đức. Trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã loại bỏ Kremlin khỏi các thị trường sử dụng đồng đô-la, mối quan hệ với Trung Quốc cho phép Nga tiếp tục giao thương.
Mối quan hệ Trung Quốc và Nga đang xây dựng về cơ bản nhằm giới hạn sự thống trị của Mỹ trên khu vực Á-Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Những động thái của Washington khiến hai siêu cường Trung-Nga xích lại gần nhau, bất chấp nhiều khác biệt từ ý thức hệ hay nền chính trị. Khi Moskva bị Washington “hắt hủi”, mối quan hệ Bắc Kinh-Moskva, ngược lại, càng bền chặt.
HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)