Nỗi niềm bà mối
Đời sống - Ngày đăng : 12:14, 23/12/2018
“Cô ơi, cô sang mà xem, vợ chồng cháu lại to chuyện rồi” - tiếng Hà hớt hải cầu cứu làm cô Miên hoảng hốt. Không biết vợ chồng nó có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt thế này còn gọi cô sang. Lần đầu, cô ngạc nhiên vì chuyện vợ chồng xô bát xô đũa là thường tình, chỉ vì Huy ăn liên hoan về muộn, có chút men rượu trong người mà Hà nói nhiều, cằn nhằn, đay nghiến khiến Huy đập cái điện thoại di động vỡ tan tành. Cô Miên vừa chạy sang thì bố mẹ chồng Hà cũng tỉnh dậy. “Thôi! Vợ chồng đóng cửa bảo nhau” - nói rồi, cô Miên bỏ về. Hà chạy theo cô ra cổng, mặt nặng mày nhẹ: “Cháu bắt đền cô đấy. Thế mà cô cứ khen ngoan, hiền lành. Cháu tưởng thật nên cháu mới lấy. Ai ngờ anh ấy cục tính như vậy. Biết thế này cháu chả lấy”. Cô Miên sững người nhưng cũng kịp phản ứng: “Hai đứa tìm hiểu chán chê rồi mới cưới, sao giờ lại đổ lỗi cho cô. Cháu cũng xem lại mình đi, cô không bênh ai nhưng đàn bà con gái, những lúc chồng nóng thì nói ít thôi”.
Từ hôm đó, cứ nghĩ đến chuyện Hà đổ tại mình giới thiệu cho Huy và Hà quen nhau rồi tìm hiểu, kết hôn là cô Miên buồn bực lắm. Cô vốn nổi tiếng “mát tay” nên đã giúp cho mấy cặp trai gái nên duyên vợ chồng. Cứ vào những dịp lễ Tết là các cặp vợ chồng ấy lại dắt díu con cái đến nhà cô liên hoan vui vẻ. Nhìn các đôi trẻ hạnh phúc, cô Miên cũng cảm thấy vui lây. Không ngờ đến đôi Huy, Hà thì sự việc lại căng thẳng như thế khiến cô không thể không suy nghĩ.
Nhà cô Miên cách nhà vợ chồng Huy, Hà có một con đường. Cô là hàng xóm thân cận của gia đình Huy mấy chục năm rồi. Thấy Huy chăm chỉ, hiền lành, nhút nhát, gần ba mươi tuổi mà chưa có người yêu, chả chịu đi tìm hiểu ai nên cô đứng ra mai mối cho Hà - làm cùng cơ quan với cô. Chính Hà cũng chủ động nhờ cô giới thiệu: “Cháu nghe nói cô mát tay lắm. Cô xem có anh nào tốt tính thì giới thiệu cho cháu nhé, kẻo cháu ế mất”. Cô Miên nhiệt tình làm bà mai. Cô mời cả Huy và Hà đến nhà mình ăn cơm rồi giới thiệu hai người với nhau. Sau lần gặp gỡ đó, Hà đã có cảm tình với Huy, cứ dò la hỏi cô Miên xem Huy là người như thế nào. Cô Miên khẳng định: “Huy ngoan, hiền lành, còn lại là việc của hai đứa tự tìm hiểu nhau”. Thấy Huy có công ăn việc làm đàng hoàng, nhà mặt phố, bố mẹ đã nghỉ hưu nên Hà ưng ngay. Hà bảo với cô Miên: “Cháu sắp hai bảy rồi, thích là cưới liền”. Quả nhiên, nửa năm sau Huy và Hà tổ chức đám cưới trong sự vui mừng của hai bên gia đình. Nhưng cứ mỗi khi vợ chồng xích mích, giận hờn là Hà lại gọi cô Miên để kể tội chồng và “bắt đền” cô. Nào là: “anh Huy lười, không chịu hộ vợ việc nhà”, “anh Huy uống rượu vào là quên hết giờ giấc, chả coi vợ ra gì”, “anh Huy hút thuốc lá, cháu bắt bỏ mà không chịu bỏ, người ngợm hôi rình”, “anh Huy khô khan, chả biết mua hoa, mua quà tặng vợ vào những dịp đặc biệt”… Những điều đó, Hà không chỉ nói với cô Miên mà còn kể với các chị em trong cơ quan rồi kết luận: “Tại cô Miên làm mối thì em mới lấy”. Cô Miên chẳng biết phân bua như thế nào.
Thỉnh thoảng, mẹ Huy lại sang nhà cô Miên phàn nàn về con dâu, nào là: “Cái Hà ghê gớm quá, toàn bắt nạt chồng. Ở chung với bố mẹ còn thế, nếu ở riêng thì nó cưỡi cổ thằng Huy mất”, rồi thì “Cái Hà chỉ thích ăn diện, tiêu hoang, chả biết tiết kiệm gì cả. Cô xem có góp ý hộ tôi được không”. Cô Miên nghe nhiều, rát hết cả tai. Cô nghĩ những chuyện như thế, bố mẹ, vợ chồng tự bảo ban nhau nên cô không muốn xen vào.
Lần này, Hà lại gọi điện cho cô Miên để thông báo “hai vợ chồng to chuyện” và giục cô sang ngay nhưng cô Miên nhất định không sang nữa. Không ngờ, sáng hôm sau dắt xe ra cổng, gặp Hà cũng dắt xe đi làm, cô Miên chưng hửng vì Hà lên xe phóng vù đi, không thèm chào cô một tiếng. Cô ấm ức, cố nuốt cục tức vào trong, nghĩ bụng: “Biết thế này, chẳng rỗi hơi làm mối”.
TRẦN THỊ LÀNH