Phấp phỏng thi THPT quốc gia 2019
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:10, 23/12/2018
Mặc dù năm nào phương án thi cũng có những thay đổi, nhưng kỳ thi sắp tới vẫn khiến các nhà trường, học sinh và phụ huynh phấp phỏng lo lắng.
Trước khi Bộ GDĐT chính thức công bố phương án thi, giáo viên và học sinh không khỏi lo lắng bởi thông tin giới hạn kiến thức sẽ trải đều trong 3 năm THPT, trong khi năm trước đề thi ra vào chương trình lớp 12 và học kỳ I lớp 11. Theo phương án chính thức, giới hạn này chưa được mở rộng song thuật ngữ “chủ yếu là chương trình lớp 12” vẫn rất mơ hồ, không rõ ràng làm nhiều người cảm thấy băn khoăn. Ngày 6.12, Bộ GDĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo, trong đó kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 90%, còn lại là kiến thức lớp 10 và 11. Nhưng đó chỉ là tỷ lệ của một bộ đề thi mẫu, còn đề thi sẽ ra trên thực tế như thế nào thì chỉ khi vào phòng thi thí sinh mới biết. Trong khi đó, các em chỉ còn mấy tháng ngắn ngủi để học thi. Bộ GDĐT nên công bố tỷ lệ kiến thức các lớp trong đề thi một cách cụ thể, ví dụ 10% lớp 10; 10% lớp 11 và 80% lớp 12 để giáo viên và học sinh có định hướng ôn thi tốt hơn.
So với đề thi THPT quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo vừa qua được đánh giá là giảm đi rõ rệt và tập trung vào mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT. Số câu hỏi dễ và câu hỏi lý thuyết tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi và độ khó của các câu hỏi đều giảm. Sự điều chỉnh này nhằm giải quyết những hạn chế về đề của 2 kỳ thi trước (đề quá dễ năm 2017 và quá khó năm 2018), tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới. Nhưng đạt được mục tiêu này thì việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia cho xét tuyển đại học có thể lại gặp nhiều bất cập. Sự phân hóa của đề thi không cao sẽ dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh đạt điểm tương đương nhau, các trường khó xét tuyển, số hồ sơ “ảo” có thể tăng. Các trường đại học tốp đầu cũng sẽ khó tuyển được thí sinh thực sự xuất sắc nếu không có thêm các bài thi của riêng mình.
Sau kỳ thi năm 2018, điều khiến học sinh và phụ huynh lo lắng nhất là sự gian lận có hệ thống trong thi cử. Bộ GDĐT đã có những thay đổi nhằm hạn chế gian lận như xếp phòng thi, đánh phách điện tử và không can thiệp sửa chữa được phần mềm, lắp camera giám sát đề thi và phòng chấm thi. Tuy nhiên, gian lận vẫn có thể xảy ra ở khâu tổ chức và coi thi. Vì vậy, bộ cần giám sát chặt chẽ các khâu này hơn nữa, có thể để các trường đại học không phải của địa phương chủ trì tổ chức thi và chấm thi nhằm bảo đảm khách quan, công bằng. Thực tế đã cho thấy khi các trường đại học chủ trì các điểm thi của địa phương thì tính nghiêm túc cao, số lượng thí sinh và cả giám thị vi phạm bị lập biên bản tăng, điểm số của học sinh giảm xuống.
Phương án thi THPT quốc gia 2019 được đánh giá sẽ khắc phục phần lớn hạn chế của kỳ thi 2018. Tuy nhiên, năm nào quá trình tổ chức kỳ thi này cũng có những bất cập nảy sinh và Bộ GDĐT lại mải miết điều chỉnh trong kỳ thi tiếp theo. Việc xây dựng phương án thi kiểu ăn đong như vậy không khỏi khiến học sinh, giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội lo lắng, không yên tâm. Bộ cần có giải pháp chiến lược, dài hạn để ổn định tình hình thi cử cũng như việc tiếp thu kiến thức, ôn thi cho học sinh THPT trong thời gian dài. Chỉ khi ổn định được những khâu này thì chúng ta mới có thể nghĩ đến chuyện nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông.
LAM ANH