Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng nông sản: Căn cứ để lựa chọn cây trồng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:58, 26/12/2018
Nếu có bản đồ thổ nhưỡng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay sẽ thuận lợi hơn
Hải Dương là vựa nông sản của miền Bắc nhưng nhiều nông dân vẫn sản xuất tự phát, theo kinh nghiệm, thói quen mà chưa có đánh giá cụ thể các điều kiện canh tác, nhất là về đất đai. Vì vậy, việc xây dựng bản đồ thổ nhưỡng để lựa chọn cây trồng phù hợp là việc làm cần thiết hiện nay.
Các địa phương đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Nếu có bản đồ thổ nhưỡng làm căn cứ thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ thuận lợi hơn. Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, trước kia, huyện độc canh cây lúa nhưng theo xu thế hiện nay đã canh tác nhiều loại cây trồng. Từ năm 2016-2018, huyện đã chuyển đổi 550 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu chiếm nhiều nhất với 250 ha và cây ăn quả là 200 ha. Hiện nay, người dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm nhiều giống cây ăn quả mới, cây dược liệu… bước đầu cho kết quả khả quan. Nếu có nghiên cứu về chất đất của từng vùng, xây dựng được dữ liệu thông tin chi tiết, cụ thể về đất đai thì việc lựa chọn cây trồng để chuyển đổi sẽ dễ dàng hơn vì không mất nhiều thời gian trồng thử nghiệm.
Gắn bó nhiều năm với sản xuất nông nghiệp, ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) trăn trở: “Từ trước đến nay, nông dân chỉ tập trung khai thác mà không chú trọng tới việc bảo vệ đất đai, thậm chí còn sử dụng các biện pháp canh tác thiếu bền vững. Vì thế, đất nông nghiệp ngày càng kiệt quệ, nghèo dinh dưỡng. Nếu có đánh giá cụ thể về thực trạng đất đai, nông dân sẽ biết đất sản xuất đang thừa hay thiếu thành phần gì để bổ sung kịp thời”.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Hải Dương”. Đề tài do ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm. Đơn vị thực hiện đề tài đã lấy 1.547 mẫu nông hóa, phân tích 282 phẫu diện chính theo 7 tiêu chí hóa học ở 12 huyện, thị xã, thành phố. Từ đó xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ nông hóa cho từng địa phương. Các bản đồ thể hiện cụ thể tính chất đất của từng vùng và đưa ra những gợi ý về các loại cây trồng thích hợp. Đây là cơ sở để tỉnh phát huy lợi thế đất đai của từng khu vực. “Trên cơ sở phân tích mẫu đất của từng địa phương, khu vực, chúng tôi sẽ xây dựng phần mềm lưu trữ dữ liệu đất đai để tạo thuận lợi trong quản lý”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
ĐỖ QUYẾT