Trưởng thôn tiếc ruộng hoang

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:58, 26/12/2018

Anh Nguyễn Đình Yến, Trưởng thôn Bối Tượng, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã thuê được trên 10 ha ruộng hoang để canh tác.


Anh Yến đầu tư máy móc để sản xuất lúa cho hiệu quả kinh tế cao

Trên đường hỏi thăm đến nhà anh Nguyễn Đình Yến, Trưởng thôn Bối Tượng, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), một số người trong thôn bảo “cứ đến ngõ thứ hai đầu làng, thấy nhà nào có nhiều máy gặt, máy cày để ngoài sân thì đó là nhà anh Yến”. Đúng như vậy, trong sân nhà anh Yến có tới 2 chiếc máy gặt và 1 chiếc máy cày cỡ lớn. Vội lau những giọt mồ hôi, anh Yến tươi cười chia sẻ: “Tôi vừa tranh thủ lắp lại mấy bộ phận của chiếc máy cày để chuẩn bị cho vụ mới, lát phải ra nhà văn hóa vì thôn đang phá ra xây lại”. Dáng người nhỏ gầy đúng chất nông dân, ít ai nghĩ anh lại đủ sức thuê trên 10 ha ruộng để cải tạo thành vùng cấy lúa tập trung.

Trước đây, gia đình anh Yến chỉ có 6 sào ruộng khoán. Năm 2012, anh vay mượn mua 1 chiếc máy cày và 1 chiếc máy gặt với tổng trị giá 660 triệu đồng để đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Những lần đi cày thuê, gặt thuê thấy có nhiều nhà bỏ ruộng, nghĩ nhà sẵn có máy, tiếc của anh về bàn với vợ thuê lại để cấy. Cứ như thế, nhiều hộ vào những vụ sau hễ không muốn cấy lại đến nhà anh Yến để cho thuê lại. Tích tiểu thành đại, đến nay, anh thuê được trên 10 ha với giá 140.000 đồng/sào/năm, thời gian thuê 5 năm.

Để thuận tiện cho canh tác, anh thuê máy san gạt mặt ruộng cho bằng phẳng, cải tạo hệ thống mương máng, đường đi cho thuận tiện và quy hoạch thành 3 vùng tập trung. Anh Yến cho biết ở Bối Tượng những năm gần đây, lực lượng lao động chủ yếu đi nước ngoài và làm việc trong các khu công nghiệp nên không thiết tha với cây lúa. Tuy mỗi sào lúa cho thu lãi không nhiều nhưng nếu gom lại thành cánh đồng mẫu lớn, thành vùng tập trung, các khâu đều được cơ giới hóa thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn. Anh lý giải những vùng lúa sản xuất tập trung sẽ thuận tiện cho việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc như phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu, thu hoạch… làm giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng.

Để cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất, ngoài 2 chiếc máy gặt, 1 chiếc máy cày cỡ lớn, một chiếc máy “2 trong 1” vừa rắc đạm vừa gieo vãi, hiện anh đang đặt mua một chiếc máy phun thuốc sâu của anh Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ với giá 65 triệu đồng.

Với 3 vùng sản xuất lúa tập trung, anh Yến gieo các giống Q4, Q5 và Khang dân. Để chủ động trong khâu tiêu thụ, anh liên kết với một số đầu mối ở trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng từ hơn 10 ha lúa và trên 200 triệu đồng từ dịch vụ gặt thuê và cày thuê.

Ước muốn tìm hướng đi mới cho cây lúa, anh Yến đã đi tham quan một số mô hình trồng lúa theo quy trình VietGAP ở tỉnh Bắc Ninh và muốn áp dụng tại địa phương. Nhưng để thực hiện ước mơ đó anh mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học và sự liên kết của các doanh nghiệp.

PHAN TUÂN