Khó giải bài toán chuyển đổi đất lúa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:28, 27/12/2018
Nuôi cá kết hợp cấy lúa là mô hình được khuyến khích thực hiện ở những diện tích đất trũng, thường xuyên bị ngập nước
Chuyển đổi từ đất lúa (CĐĐL) sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi thủy sản được cho là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp. Song do những quy định về vấn đề này chưa chặt chẽ nên việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn.
Vỡ kế hoạch
Năm 2018, UBND tỉnh giao cho huyện Tứ Kỳ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 463 ha đất gieo cấy lúa kém hiệu quả, nhưng đến cuối năm huyện vẫn chưa thực hiện chuyển đổi. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "CĐĐL là chủ trương đúng đắn song các quy định pháp lý vẫn chưa rõ ràng nên địa phương rất thận trọng để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện. Mặt khác, văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh ban hành muộn, các xã, thị trấn không kịp đăng ký để chuyển đổi trong năm nay".
Hiện các địa phương đang CĐĐL theo Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tư đã tháo gỡ được phần nào những vướng mắc của các quy định trước, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì lại bộc lộ nhiều bất cập. Thông tư yêu cầu CĐĐL phải quy hoạch vùng sản xuất nhưng lại không đề cập đến diện tích vùng cụ thể. Mặt khác, thông tư cũng bỏ qua những nội dung liên quan tới việc xây dựng công trình trên đất chuyển đổi. Anh Nguyễn Tuấn Anh ở xã An Lâm (Nam Sách) băn khoăn: "Tôi có nhu cầu thuê, gom đất lúa để chuyển sang trồng rau màu theo hướng hữu cơ. Việc tích tụ ruộng đất rất thuận lợi, thế nhưng khi bắt tay vào sản xuất thì gặp nhiều trở ngại. Vì canh tác trên quy mô lớn, bắt buộc tôi phải xây dựng nhà kho để vật tư nông nghiệp và nhà sơ chế tại chỗ. Ngoài ra, hạ tầng sản xuất cũng phải thay đổi để phù hợp với điều kiện canh tác mới. Song quy định lại không cho phép nên tôi vẫn đang loay hoay không biết xoay xở ra sao để bảo đảm được các điều kiện phục vụ sản xuất".
Chính vì quy định về CĐĐL có nhiều điểm chưa phù hợp nên các địa phương rất thận trọng trong chuyển đổi để tránh vi phạm. Vì nguyên nhân này mà kế hoạch chuyển đổi gần 2.000 ha đất lúa trong năm 2018 của tỉnh không thực hiện được. Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy nhu cầu CĐĐL của nông dân rất lớn nên dễ dẫn tới tình trạng người dân chuyển đổi manh mún, tự phát, làm phá vỡ quy hoạch sản xuất...
Nhu cầu chuyển đổi đất lúa của nông dân rất lớn nhưng hiện đang bị vướng bởi các quy định pháp luật. Trong ảnh: Diện tích đất lúa ở xã Tân Việt (Thanh Hà) đã được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả
Từng bước tháo gỡ
CĐĐL là điều kiện để tổ chức lại sản xuất ở một số vùng, khai thác tối đa lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, từng bước phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa. Vì vậy UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018 - 2020 làm căn cứ cho các địa phương thực hiện. Theo đó, đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 4.374,3 ha đất lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp trồng lúa với nuôi thủy sản. Dựa vào tình hình sản xuất của các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cụ thể để các địa phương thực hiện.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân CĐĐL nhưng vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải chuyển đổi công khai, minh bạch và có sự đồng thuận cao của người dân. Khai thác tối đa hiệu quả của cơ sở hạ tầng sẵn có hoặc nếu xây dựng thêm phải phù hợp với định hướng hạ tầng phục vụ sản xuất. UBND tỉnh cũng quy định cụ thể vùng chuyển đổi phải có quy mô tối thiểu 5 ha/vùng trở lên.
Để tránh việc chuyển đổi ồ ạt, không mang lại giá trị lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những định hướng về cây trồng, vật nuôi cho từng vùng chuyển đổi. Đối với cây ăn quả lâu năm, người dân nên lựa chọn các giống vải sớm để thay thế cho những diện tích vải thiều đã già cỗi. Trồng ổi tại các vùng chuyển đổi của các huyện Thanh Hà, Ninh Giang. Ưu tiên trồng na, nhãn tại huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Các loại cây ăn quả có múi phù hợp với chất đất tại các huyện Kinh Môn, Thanh Miện, Cẩm Giàng. Cây rau màu thích hợp cho các diện tích chuyển đổi có chân vàn cao. Những chân ruộng trũng có thể trồng ấu, sen và các loại rau ưa nước như rau cần... Nông dân có nhu cầu trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản nên sử dụng diện tích đất trong đồng thường xuyên bị ngập úng hoặc những khu bãi ngoài đê để chuyển đổi.
CĐĐL phải đi liền với bảo vệ đất lúa, tránh việc lợi dụng chủ trương để chuyển đổi sai mục đích. Khi quy định chuyển đổi vẫn còn chưa sát thực tế thì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có cơ chế linh hoạt đối với từng trường hợp, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi, bảo đảm yêu cầu sản xuất.
DŨNG CƯỜNG