Lo lắng những tổ hợp xét tuyển “lạ”

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:25, 29/12/2018

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều trường đại học đã rục rịch chuẩn bị phương án tuyển sinh cho năm tới.

Mặc dù theo Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2019 sẽ được cải tiến theo hướng không phục vụ 2 mục đích, mà chỉ phục vụ xét tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường vẫn dự định sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Một điều đáng chú ý là năm nay số lượng các trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển “lạ” với những môn không theo truyền thống có xu hướng tăng lên. Việc thay đổi cơ cấu các môn xét tuyển, trong đó có những môn không thật sự phù hợp với chuyên ngành đào tạo đặt ra nhiều điều đáng băn khoăn, suy nghĩ.

Trong bài thi khoa học xã hội của kỳ thi THPT quốc gia có môn giáo dục công dân (GDCD). Đây là môn học được nhiều học sinh, giáo viên đánh giá là dễ học, dễ đạt điểm cao hơn những môn thi khác nên từ khi môn này được đưa vào thi THPT quốc gia, số thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội tăng lên đáng kể. Từ chỗ một môn học trước kia thường bị coi là “môn phụ”, GDCD giờ đây được nhiều trường đại học lựa chọn đưa vào tổ hợp xét tuyển. Từ năm 2018, Trường Đại học Sao Đỏ đã có 4 tổ hợp xét tuyển có môn GDCD. Năm 2019, dự kiến nhiều trường khác cũng đưa môn này vào xét tuyển như các Trường Đại học: Nông lâm Huế, Quy Nhơn, Hùng Vương… Điều đáng nói là môn GDCD trong trường phổ thông hiện có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và kiến thức chính trị, pháp luật cho học sinh. Những nội dung này mang tính chất giáo dục chung và chỉ phù hợp để xét tuyển vào những chuyên ngành luật. Các trường sử dụng môn GDCD để xét tuyển cho các ngành công nghệ kỹ thuật (Đại học Sao Đỏ), trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao (Đại học Nông lâm Huế), công nghệ thông tin, kế toán (Đại học Hùng Vương)… là không phù hợp. Tương tự, một số trường sử dụng môn ngữ văn để xét tuyển vào các ngành trong lĩnh vực tự nhiên và kỹ thuật như Đại học Huế dự kiến tuyển thêm tổ hợp toán - vật lý - ngữ văn cho ngành kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh bổ sung tổ hợp toán - ngữ văn - tiếng Anh cho ngành toán học…

Các trường đều có những lý giải cho việc sử dụng môn xét tuyển kiểu “tréo ngoe” trên như sinh viên những ngành học này những năm trước đây hành văn kém nên cần xét tuyển môn ngữ văn hoặc sinh viên các chuyên ngành đều cần hiểu biết về pháp luật, có đạo đức, lối sống tốt… Những lý do được đưa ra đều không hướng tới mục đích cơ bản nhất của các trường đại học là đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên. Học đại học, sinh viên phải có năng lực thực sự phù hợp với chuyên ngành mà các em sẽ làm trong tương lai. Năng lực đó được xác định qua tuyển sinh bằng những môn học có kiến thức phù hợp nhất với chuyên ngành đào tạo. Ví dụ, ngành kế toán, công nghệ thông tin, xây dựng chủ yếu cần kiến thức các môn khoa học tự nhiên; các ngành nông nghiệp cần kiến thức sinh học, địa lý, vật lý… Đạo đức, lối sống, hiểu biết pháp luật, hành văn, trình bày văn bản… là những kiến thức cơ bản mà bất cứ sinh viên nào cũng cần phải có. Nếu nhận thấy sinh viên các năm trước còn yếu về lĩnh vực này thì các trường cần tăng cường một số môn học để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho các em.

Việc sử dụng các môn xét tuyển “lạ” như vậy thực chất là do các trường muốn mở rộng các tổ hợp xét tuyển, tăng số lượng thí sinh đăng ký và trúng tuyển. Vì cái lợi trước mắt đó mà có thể dẫn đến cái hại lâu dài là sinh viên tuyển theo các tổ hợp “lạ” không có năng lực, kiến thức phù hợp với chuyên ngành đào tạo, chất lượng đào tạo sẽ kém, bản thân người học cảm thấy chán nản, ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế. Với cách nói “nước đôi” của lãnh đạo Bộ GDĐT rằng trường đại học nào tin tưởng thì sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, có thể thấy bộ đã gần như “buông” mục đích xét tuyển đại học của kỳ thi “2 trong 1” này. Chính  vì vậy, việc xét tuyển các tổ hợp “lạ” theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 càng tiềm ẩn nhiều điều không phù hợp.

LAM ANH