Biết mình muốn gì

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:35, 30/12/2018

Thời gian này, học sinh lớp 12 đang tập trung ôn luyện để thi THPT quốc gia 2019 và đứng trước câu hỏi lớn: Chọn thi trường nào? Bao năm nay, câu hỏi ấy ám ảnh nhiều gia đình.

Cả xã hội bàn luận khá sôi nổi về câu hỏi và câu trả lời song vẫn còn rất nhiều học sinh, phụ huynh trả lời sai. Câu trả lời sai sẽ làm cho người ta lạc hướng, phung phí nhiều công sức, tiền của, thời gian.

Tôi thấy học sinh mắc 4 sai lầm phổ biến: quy trình chọn sai; lúng túng không biết chọn trường gì; chọn theo ý muốn của người khác; mâu thuẫn giữa sở thích và sở trường.

Liên quan đến quy trình chọn sai, ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, một trong hai người Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới trao giải thưởng lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2013, đã có những lý giải sâu sắc. Trong cuốn sách bán chạy mang tên “Đúng việc” (Nhà xuất bản Tri Thức), ông cho rằng hiện nay nhiều học sinh đang làm ngược quy trình. “Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó. Đằng này ta lại nỗ lực đi “chọn nghề” trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về chọn đời, “chọn người”, để rồi khi ta nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng, chán nản”, ông Giản Tư Trung viết. Chính quy trình chọn sai này là khởi nguồn của các sai lầm khác trong chọn trường.

Học sinh lúng túng không biết chọn trường gì bởi không biết rõ lẽ sống của cuộc đời mình, muốn mình trở thành người thế nào. Đây lại là nguyên nhân dẫn tới hệ quả phải chọn theo ý muốn của người khác. Người khác ở đây có thể là cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy, cô giáo… Ai cũng có lý lẽ của mình để định hướng, khuyên nhủ học sinh nên thi vào trường này trường kia. Bố mẹ thích con thi vào đại học y, sư phạm, khoa học và công nghệ… vì sau này có thể làm bác sĩ, giáo viên, kỹ sư… và vì bố mẹ có thể xin việc được cho con. Thầy giáo khuyên học sinh nên thi vào những trường mà đào tạo ra các nghề đang “hot” hiện nay. Bạn bè khuyên nên thi vào những trường “đỉnh”, danh giá, học ra dễ tìm việc… Việc định hướng, khuyên nhủ trong chọn trường, chọn nghề là đúng, song nếu chính học sinh không xác định được mình muốn gì thì sẽ trở thành người “đẽo cày giữa đường”, phải xuôi theo ý muốn chủ quan của người khác, không tự mình quyết định được cuộc đời mình.

Một sai lầm nhiều học sinh mắc phải nữa là không biết rõ sở thích, sở trường của mình hoặc bị mâu thuẫn giữa sở thích và sở trường. Vì không biết rõ sở thích, sở trường của mình nên rất khó để chọn trường, chọn nghề hợp lý. Có những học sinh thích thi vào trường tốp đầu, cần điểm số cao mới đỗ song lực học chỉ trung bình thì cũng khó đạt được nguyện vọng. Hoặc có em học tốt các môn về khoa học xã hội, học kém các môn khoa học tự nhiên nhưng lại muốn thi vào các trường khoa học tự nhiên thì cũng khó đỗ đạt.

Những sai lầm ấy làm nhiều người phải chọn lại nghề, làm trái nghề hoặc làm nghề nào đó nhưng không tâm huyết, trách nhiệm, khó thành công vì không phát huy được khả năng của bản thân.

Nhà giáo Giản Tư Trung khuyên quy trình chọn đúng phải lần lượt là chọn người, chọn đời - chọn nghề - chọn trường, chứ không phải là chọn trường - chọn nghề - chọn người, chọn đời như nhiều người đang làm lâu nay. Trong sách “Tự phát triển: 101 những điều nhà lãnh đạo cần biết”, John C. Maxwell, một tác giả nổi tiếng người Mỹ với nhiều cuốn sách bán chạy về lãnh đạo cũng đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm thành công của mình: “… cuộc đời tôi đã thay đổi kể từ khi tôi dừng việc đặt mục tiêu cho chỗ mà tôi muốn đạt được và bắt đầu tiến tới mục tiêu người mà tôi muốn trở thành”.

Biết mình muốn gì, thích gì, có ước mơ, hoài bão gì, trở thành người thế nào sẽ là kim chỉ nam cho mỗi học sinh chọn trường, chọn nghề đúng đắn. Tất nhiên con người mà mình muốn trở thành ấy phải là người tốt. Cái kim chỉ nam này sẽ dẫn đường để học sinh không còn mù mờ khi chọn trường, không bị cuốn theo ý muốn của người khác, biết cân bằng sở thích và sở trường, để không bị uổng phí thời gian, công sức, tiền bạc vì những sai lầm khi chọn sai.

NINH TUÂN