Những miền trầm tích
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 17:54, 31/12/2018
Lễ hội làng Mộ Trạch (Bình Giang) là dịp để con cháu tưởng nhớ công đức của cha ông, tạo thêm động lực giúp các thế hệ nối tiếp truyền thống hiếu học
Dù đã đặt chân đến nhiều vùng đất lạ, nhưng mỗi khi tìm về đắm mình trong không gian yên bình của các ngôi làng cổ, tôi như thấy lòng mình lắng lại. Một cảm giác lạ lùng, ấm đượm nỗi đồng cảm với dáng đứng cổ kính rêu phong của những nếp nhà, những ngôi đền, cánh đồng xanh bát ngát... Thật may mắn. Tôi và bè bạn cùng trang lứa đã được uống nước nguồn quê thân thương, sống trong không gian mái đình cong vút, vịn tay lên những bức tường rêu xứ Đông. Thuở thiếu thời, được tắm đẫm trong điệu dân ca nồng nàn, nô đùa trên khúc sông hiền hòa chưa ô nhiễm, có vạt cỏ chân đê mềm mại nâng niu những đôi chân trần trẻ dại… Hẳn đó là một miền ký ức đầy quyến rũ, khiến nhiều bạn trẻ dù bận rộn với công việc hối hả và những mối quan tâm, nhưng vẫn thích về thăm làng cổ, làng hiếu học, làng quê còn đậm chất quê.
Huyện Kinh Môn được thiên nhiên ban tặng nhiều vẻ đẹp hiếm có. Đường biên của huyện là hệ thống sông ngòi bao quanh, nhìn trên bản đồ giống như một hòn đảo có núi thấp, đồng xanh, với những con đường chạy dài thẳng tắp. Đâu chỉ có thế, hệ thống sông ngòi nhỏ uốn lượn trên những cánh đồng ấy đã tạo thêm vẻ kiều diễm của vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng trầm tích kỳ diệu.
Ước mơ khám phá đã đưa tôi vượt khoảng 95 km đi đường, từ Hà Nội đến Kinh Môn. Buổi sớm se lạnh, đến được thị trấn miền quê đang thay da đổi thịt thì cũng là lúc mặt trời vừa lên. Quần thể di tích lịch sử và tâm linh ở đây tạo thành một hệ thống, tiện cho khách hành hương, khám phá tìm hiểu.
Điểm đầu tiên tôi đến là đền Cao An Phụ và tượng đài Trần Hưng Đạo trên dãy núi An Phụ gồm một hệ thống núi thấp tiếp nối nhau hình rồng thuộc xã An Sinh. Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được đặt trên một đỉnh núi thấp hơn đền Cao - nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu chừng 50 m, cách đền về phía trước 300 m, phù hợp với luân thường đạo lý dân tộc: Cha đứng trên, con đứng dưới và tiến lên phía trước, vị trí còn tạo nên sự ấm cúng, thiêng liêng thể hiện sự trung hiếu của một gia đình truyền thống Việt Nam. Qua tìm hiểu, từ năm 1993, tượng đài bắt đầu được xây dựng. Nhưng trước đó, để có mẫu tượng, Hải Dương đã thành lập Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo gồm nhiều cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học, điêu khắc có uy tín của tỉnh và Trung ương.
Đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ, nơi đây sơn thủy hữu tình, được sử sách ca ngợi là một trong những cảnh đẹp đáng du ngoạn. Cuốn sách Hải Dương danh thắng đã giới thiệu về khu di tích: “Phía đông bắc nhìn về dãy Yên Tử sừng sững; phía tây bắc là động Kính Chủ được mệnh danh Nam thiên đệ lục động, có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi; phía tây nam là miền châu thổ mênh mông. Từ An Phụ nhìn về hướng tây nam miền châu thổ bát ngát tận chân trời. Sông ngòi uốn lượn như những dải lụa nối tiếp nhau vô tận. Nếu nhìn về phía đông bắc dãy An Phụ như gần lại, kéo dài từ tây sang đông như một bức trường thành kỳ vĩ…”.
Quả thật, với mỗi ai đến khu di tích này, ngoài được du ngoạn trong một bầu không khí tươi xanh của thiên nhiên, còn được đắm mình trong sự huyền bí của một cụm di tích trên đỉnh núi hình chóp nón. Đứng trên đỉnh An Phụ có thể nhìn bao quát cánh đồng xa xa, với những nhánh sông cong cong, uốn lượn, được điểm trang bởi những người làm nghề chài lưới, ngồi trên chiếc thuyền bé tẻo teo.
Điểm thứ hai trong hành trình, cách đó chừng 3 km là động Kính Chủ (còn gọi là động Dương Nham) nằm ở sườn núi phía nam của núi Dương Nham thuộc xã Phạm Mệnh. Động là danh xưng do vua Lê Thánh Tông (1446 - 1497) phong tặng. Qua 36 bậc đá, động mở toang, hoăm hoẳm vào lòng núi với 3 cửa hang lớn. Không gian động khá rộng phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt vô cùng kỳ thú.
Nhưng Kinh Môn không chỉ có vậy, huyện còn có nhiều di tích đền chùa gắn với các động nổi tiếng khác như hệ thống chùa và khu di tích khảo cổ hang Nhẫm Dương, khu hang động chùa Mộ (xã Duy Tân), hang chùa Mộ (xã Tân Dân), hang Đốc Tít, động Hoàng Long (thị trấn Minh Tân); đình Ngư Uyên (xã Long Xuyên), chùa Linh Ứng (xã Thăng Long)… Trong một ngày không thể khám phá hết vẻ đẹp của một miền trầm tích, nhưng cũng đủ hun đúc trong tâm hồn khách xa những cảm xúc và ấn tượng đẹp.
Khách xa có dịp đến làng Mộ Trạch (Bình Giang) sẽ được trải nghiệm không khí thanh bình của một làng quê, độc đáo hơn khi biết rằng đó là một vùng đất hiếu học. Trò chuyện với những người dân thuần phác, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Điều gì đã khiến người dân nơi đây luôn nuôi ý chí vươn lên trong cuộc sống, để Mộ Trạch có nhiều vị học giả, nhà giáo, nhà quản lý có vị thế nổi danh trong cả nước đến vậy? Lý giải về điều này, các bậc lão niên trong làng cho rằng, ngoài tấm gương người xưa thì bản hương ước ra đời vào năm 1665 với 30 điều quy định về việc khuyến học; gìn giữ văn hóa, lối ứng xử và cảnh quan môi trường đã được người dân tuân thủ và phát huy mạnh mẽ. Tiến sĩ Vũ Huy Thuận, người con của Mộ Trạch cho rằng cũng vì trọng đạo học nên hương ước của Mộ Trạch khác rất nhiều so với những ngôi làng khác. Tiếp nối truyền thống xưa, làng và các dòng họ đã xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến khích phong trào học tập, phấn đấu của con em Mộ Trạch.
Xứ Đông còn có làng cổ Hoàng Xá (Thanh Hà), nơi có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Long Nhiêm cần mẫn, có những nếp nhà cổ vững vàng cùng thời gian nhờ quyết tâm gìn giữ của gia chủ. Tinh hoa của Hoàng Xá còn là hàng trăm con người kiệt xuất được sản sinh từ thời khai lập làng. Văn chỉ của thôn được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, quy mô 3 gian thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng của làng. Nền nếp, gia phong, không gian cổ kính là đặc sản của làng đã được vun bồi, trở thành trầm tích văn hóa đáng được trân trọng, gìn giữ. Di tích, không gian làng cổ, những cánh đồng không chỉ lay động trái tim người già. Trên các diễn đàn mạng xã hội, các bạn trẻ cũng thổ lộ, bàn nhiều về lối ứng xử đẹp và gần gũi của bà con. Họ khẳng định một điều, muốn tìm chất mộc mạc, thân tình và gần gũi trong giao tiếp thì không nên bỏ qua những chuyến về làng. Nơi ấy, vẫn đang lưu giữ một phần quá khứ thấm đẫm những giá trị nhân văn, những trầm tích văn hóa đáng tự hào của dân tộc. Đi, thực chất là trở về - với tâm hồn dân tộc, để làm giàu hơn hành trang cho chính mình.
Nông thôn Việt Nam được gắn kết bền chặt từ những nền nếp xưa cũ, với mối quan hệ làng xã thắm thiết. Một khi cái xưa cũ không còn, thay vào đó là những khối nhà bê-tông cốt thép sừng sững, với chiếc cổng sắt nặng nề, đâu còn chỗ cho gốc đa, cây mít, cây cau với khoảng sân xanh biếc nền nã. Làng cổ cần được ứng xử như là một “cơ thể”, như lời nhiều chuyên gia đã nói, và về lâu dài cần bảo tồn đi đôi với phát triển.
NGUYỄN VĂN HỌC