"Cây vàng" trên đất Kinh Môn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:14, 01/01/2019
Người dân Kinh Môn sơ chế hành khô, đóng bao đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong nước và xuất khẩu
Bén rễ
Cụ Nguyễn Trí Viễn năm nay 83 tuổi ở xóm 4, thôn An Bộ (xã Hiệp Hòa) vốn là cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa. Luôn trăn trở, tâm huyết với cây hành nên có lẽ cụ Viễn là một trong số ít người ở Kinh Môn nắm rõ về gốc tích loại cây này. Cụ kể: "Trước đây, thôn An Bộ có tên là làng Than. Tương truyền có ngũ vị Đại Vương, là con cháu Vua Hùng đã về làng sinh sống nên những người hầu mang theo nguyên liệu, thực phẩm nấu ăn cho các quan. Để tăng hương vị cho các bữa ăn, nhất là một số món làm từ thịt, những người này đã bỏ thêm hành vào. Người dân thấy nêm hành rất hợp nên đã xin, rồi đem cây này trồng ven bờ ao, bờ rãnh để phục vụ bữa ăn hằng ngày”.
Trải qua bao thăng trầm, người làng Than vẫn giữ được cây hành song đơn giản chỉ là cây gia vị dùng trong bữa ăn. Đến những năm 50 của thế kỷ trước, “số phận” cây hành đã thay đổi mạnh mẽ khi vào dịp Tết, bà con làng Than lại gánh hành củ đi các chợ trong tỉnh, sang cả Đông Triều (Quảng Ninh) bán. Từ đây, cây hành được người dân các huyện Nam Sách, Thanh Hà... biết đến và mua về trồng.
Với địa hình bán sơn địa, được bao bọc bởi 4 con sông nên chất đất ở Kinh Môn đặc biệt phù hợp với cây hành. So với những cây trồng khác, hành lúc nào cũng lên xanh tốt, ít sâu bệnh, củ đẹp, để khô không bị móp. Những năm sau này, do nhu cầu chế biến thực phẩm lớn nên cây hành ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Vượt ra khỏi quy mô gia đình, hành đã được trồng ra ngoài đồng ruộng và dần trở thành cây trồng chính của người dân Kinh Môn. Ông Nguyễn Văn Biên, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: "Năm 1976, UBND huyện Kim Môn đã chỉ đạo xã Thăng Long lựa chọn 25 gia đình để làm điểm mô hình của huyện. Năng suất hành năm đó của xã Thăng Long đạt 3,5 tạ/ha và củ thu được chỉ đủ để giống cho năm sau. Đây là cơ sở đầu tiên để hành trở thành cây hàng hóa trên đất Kinh Môn".
Từ sau mô hình ở xã Thăng Long, diện tích hành trên địa bàn huyện không ngừng được mở rộng. Khoảng 5 năm trở lại đây, hành được coi là cây mũi nhọn trong vụ đông của huyện Kinh Môn, luôn chiếm từ 75-80% diện tích cây vụ đông. Vụ đông năm 2018-2019, diện tích hành của huyện đạt hơn 3.350 ha, chiếm trên 75% diện tích.
Cây làm giàu
Về Kinh Môn những ngày này, chúng tôi thấy màu xanh non của cây hành đang thời kỳ xuống củ bao phủ khắp các xứ đồng. Nếu vụ lúa, người dân Kinh Môn có thể bỏ hoang ruộng đất vì hiệu quả thấp, nhưng vụ đông thì khác, nông dân tận dụng mọi diện tích để trồng hành. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn thông tin: “Mỗi năm, vụ đông mang lại cho huyện khoảng 1.200 tỷ đồng, riêng cây hành đã hơn 1.000 tỷ đồng. Không chỉ tiêu thụ hành tươi, người dân còn bán hành khô. Hành củ Kinh Môn đã có mặt khắp nơi trong nước, thậm chí còn xuất sang Lào, Campuchia…”.
Hằng năm ở các vùng quê Kinh Môn, những ngôi nhà cao tầng với đầy đủ các vật dụng sinh hoạt đắt tiền cứ nối tiếp nhau mọc lên nhờ nguồn thu từ trồng cây hành. Vừa nhanh tay tưới nước cho ruộng hành đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Nguyễn Văn Đô ở xã Thăng Long chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 1 mẫu hành. Cây này tương đối khó tính nên trồng vất vả, nhưng bù lại thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá ổn định. Những năm trước, mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ 60-70 triệu đồng. Nhờ cây trồng này, gia đình tôi không chỉ xây được nhà mà còn dành được chút của ăn, của để phòng khi tuổi già".
Từ nguồn cung dồi dào, phong phú, nhiều người đã xây dựng cơ sở thu mua hành. Cây hành Kinh Môn vì thế đã được khắp mọi miền Tổ quốc biết đến. Mặc dù còn trẻ nhưng chị Nguyễn Thị Mến đã là chủ một cơ sở thu mua hành có tiếng ở xã Phúc Thành. Mỗi tháng, cơ sở của chị thu gom từ 30-40 tấn hành để đưa vào các nhà máy sản xuất mỳ tôm hoặc đóng bao mang đi tiêu thụ ở miền Nam rồi sang Lào, Campuchia. “Nếu năm nào thuận lợi, cơ sở của tôi thu lãi cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm cho 4-5 lao động lớn tuổi, khuyết tật ở địa phương với thu nhập 100.000 đồng/ngày”, chị Mến nói.
Để phát triển, nâng cao vị thế của cây hành trên thị trường, biến nơi đây thành vùng trồng hành nổi tiếng cả nước về quy mô và thu nhập, từ vụ đông năm 2017, huyện Kinh Môn đã hỗ trợ nông dân chế phẩm Nep26, EMINA cải tạo chất đất, chất lượng và năng suất hành. Huyện cũng đang thực hiện mô hình bảo quản hành củ an toàn; tích cực quảng bá sản phẩm hành Kinh Môn thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại để loại cây này thực sự là một trong 4 sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.
THANH HÀ