Nàng dâu Tây
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:34, 05/01/2019
Mấy năm nay, cứ sắp đến dịp Tết Tây là bà Xuân lại chuẩn bị khăn gói lên Thủ đô thăm con và trông cháu. Ruộng hành giao cho ông Quân chồng bà trông nom. Lúc đầu bà không yên tâm phó mặc việc nhà cho chồng cả tuần trời, nhưng con dâu cứ liên tục gọi điện, tha thiết: “Con nhớ mẹ lắm. Các cháu cũng nhớ bà nội lắm. Con mời bố mẹ lên ăn Tết với chúng con cho vui”. Nghe con dâu Tây nói tiếng Việt sõi thế, bà mừng thầm trong bụng.
Nghĩ lại lúc mới biết tin con trai sẽ cưới cô gái người Pháp, bà giãy nảy, ra sức phản đối. Nào là bất đồng ngôn ngữ, nào là văn hóa khác nhau, nào là con gái Việt khối cô xinh đẹp, giỏi giang, du học xong thì về nước mà cưới vợ, lấy gái Tây làm gì, liệu nó có biết đối nhân xử thế không, có chu toàn phận làm dâu ở Việt Nam không? Ông Quân không phản đối nhưng cũng không ủng hộ quyết định của con trai. Ông tuyên bố: “Con đã trưởng thành, tự quyết định hạnh phúc và tương lai của mình”. Bà Xuân giận dỗi, làm mình làm mẩy, thậm chí dùng cả hạ sách là tuyệt thực nhưng con trai bà vẫn dẫn cô gái người Pháp về xin tổ chức đám cưới. Cả xóm kéo sang nhà bà xem mặt dâu Tây, xuýt xoa khen đẹp, khen trắng, khen cao khiến bà cảm thấy hãnh diện. Cưới nhau xong, đôi trẻ lên thành phố làm việc, thuê nhà ở riêng nên bà Xuân cũng không có nhiều thời gian tiếp xúc với con dâu, trừ những dịp lễ, Tết.
Lúc đầu, nghe con dâu nói xí xố xì xồ, bà Xuân chẳng hiểu gì cả. Bà phải dùng tay ra hiệu, kết hợp với nét mặt, điệu bộ khiến bà bực mình, có khi hiểu sai ý nhau, chẳng khác nào nói chuyện với người câm. Phải mất cả năm trời miệt mài học tiếng Việt thì con dâu bà Xuân mới giao tiếp tốt. Hai mẹ con có thể nói chuyện, hiểu nhau. Hai đứa cháu nội lần lượt ra đời nhưng bà Xuân không phải chăm bẵm vì con dâu bà nuôi con theo “kiểu Tây”, rèn cho con tính từ lập từ bé. Bà ấm ức lắm, có cháu mà không được ngủ cùng, không được bế ẵm nhiều, nhưng nghĩ đi nghĩ lại bà đành tôn trọng con dâu, hơn nữa bà càng được nhàn thân, không phải xa chồng để đi làm ô sin cho con như nhiều bà mẹ khác. Thi thoảng con dâu lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe và gửi thuốc bổ về biếu ông bà nên bà thấy ấm lòng.
Cứ thành lệ, đến dịp Tết Nguyên đán thì các con khóa cửa nhà ở thành phố, đưa các cháu về quê ăn Tết với ông bà. Nhưng dịp Tết Tây thì bà được con dâu mời lên chơi từ trước Nô-en vì bọn trẻ học trường quốc tế nên được nghỉ học cả tuần. Bà chuẩn bị bao nhiêu quà nhà quê, từ nải chuối đến trứng gà, rau sạch, gạo thơm… để mang lên cho con, cho cháu. Đón bà ở sân chung cứ, con dâu ôm chầm hồ hởi: “Con chào mẹ! Con vui lắm”. Dù vừa đi chặng ô tô gần 100 km nhưng bà Xuân vẫn xắn tay vào bếp làm món chả nem để đãi cả nhà vì bà biết con dâu và hai đứa cháu nội rất thích ăn món này.
Những ngày ở thành phố đón tết Tây, bà Xuân được con dâu tranh thủ đưa đi mua sắm, uốn lại tóc… Bà như trẻ ra vài tuổi. Lúc về quê, thể nào mấy bà hàng xóm cũng xuýt xoa cho mà xem: “Dâu Tây tâm lý quá!”. Bà còn được mời đến đại sứ quán để dự tiệc, được xem người ta khiêu vũ. Nhờ có con dâu mà bà biết thêm bao nhiêu thứ mới lạ.
Năm nay, bà Xuân lên thành phố sớm để giúp con dâu dọn nhà chuẩn bị đón tết Tây. Ăn tối xong, nghe con trai và con dâu xì xồ một tràng, vẻ mặt căng thẳng khiến bà tò mò hỏi hai cháu: “Bố mẹ con nói chuyện gì thế?”. Thằng lớn nhanh nhảu phiên dịch: “Mẹ con muốn về Pháp ăn Tết với bà ngoại con. Mẹ con bảo nhớ bà ngoại lắm. Nhưng bố con thì muốn ở lại Việt Nam”. Bà Xuân sa sầm mặt, nghĩ thầm, giận dỗi: “Thế thì nó còn mời mình lên đây làm gì cơ chứ”. Bà kêu mệt nên đi nằm sớm.
Suốt đêm, bà Xuân trằn trọc, không tài nào chợp mắt được. Bà nhẩm tính, cũng gần chục năm rồi, con dâu mới về Pháp có hai bận. Tết là dịp đoàn tụ, sum họp gia đình, bà cũng chẳng nên ngăn cản. Sáng mai bà sẽ nói với con trai. Từ quê lên thành phố chẳng đáng bao xa, bà thích thì lên chơi lúc nào cũng được nhưng từ Việt Nam sang Pháp thì không hề đơn giản. Con gái lấy chồng xa xứ đã thiệt thòi rồi. Bà không muốn con dâu phải buồn thêm nữa. Nghĩ vậy, lòng bà cảm thấy nhẹ nhõm.
LÂM OANH