Những cổ vật độc đáo ở Thanh Hà

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 18:17, 05/01/2019

Thanh Hà không chỉ nổi tiếng với đặc sản vải thiều mà còn được nhiều người biết đến bởi một vùng quê lưu giữ nhiều cổ vật độc đáo.


Bệ đá hoa sen chùa Bạch Hào là cổ vật đang được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Chứng tích lịch sử

Nếu một lần đặt chân tới vùng đất Thanh Hà, chắc hẳn ai cũng được nghe người dân nơi đây giới thiệu về những ngôi chùa cổ như Đồng Ngọ, Đồng Neo, Minh Khánh, Bạch Hào, Quang Liệt… Trong những ngôi chùa ấy có nhiều cổ vật quý và chúng tôi ấn tượng nhất với chiếc chuông đồng ở chùa Quang Liệt, xã Quyết Thắng. Theo các cụ cao niên và lịch sử xã Quyết Thắng ghi chép lại, chuông đồng này có từ thời nhà Tây Sơn, cách đây hơn 200 năm. Đây là chiếc chuông hiếm thời đó còn sót lại. Chuông nặng hơn 2 tạ. Núm chuông được nghệ nhân khéo tay đúc hình một con rồng với nhiều nét hoa văn tinh xảo. Ở mặt chuông có 4 chữ Hán, tạm dịch là “Chuông chùa Quang Liệt”. Ngoài ra, trên mặt của chuông còn khắc chữ giới thiệu khái quát về chùa Quang Liệt và tên của những người từng quyên góp tiền để đúc chuông. Những hàng chữ được khắc gọn gàng, tinh tế, rõ ràng nên nhìn rất thẩm mỹ, khác với những chiếc chuông thời nay. Chiếc chuông quý đó bây giờ được treo trang nghiêm trên một khung gỗ chắc chắn đặt ở gian chính của chùa. 

Tại chùa Bạch Hào (xã Thanh Xá), ngoài chiếc chuông cổ có từ hàng trăm năm thì ở đây còn lưu giữ được nhiều di vật cổ. Bệ đá hoa sen là một hiện vật quý hiếm thời nhà Trần. Phần mặt của bệ đá tạo thành hai tầng cánh sen với các hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn kiến trúc Chăm. Phần thân bệ chạm hình rồng theo lối điêu khắc thời nhà Trần. Bốn góc bệ đá chạm nổi chim thần Garuda, là vật cưỡi của thần Vishnu (theo Ấn Độ giáo), biểu trưng cho sự thông thái của con người. Bệ đá hoa sen đã được tỉnh đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. Ngoài bệ đá hoa sen, ở khuôn viên chùa Bạch Hào còn có 12 bia cổ có từ thời nhà Trần, chủ yếu ghi lại công lao xây dựng chùa của 3 vị sư tổ đầu tiên ở đây.

Theo sách “Văn hóa cổ truyền đất Thanh Hà” thì vùng đất linh thiêng này có hàng trăm cổ vật, ngoài chuông đồng, thạp đồng, trước đây người dân còn đào được 2 trống đồng Đông Sơn loại I; làng nào cũng có hàng chục bia đá cổ ở đình chùa, miếu…


 Chiếc chuông cổ ở chùa Quang Liệt

Quan tâm đúng mức công tác bảo tồn

Nhiều cổ vật có giá trị, ý nghĩa lịch sử nhưng qua năm tháng cũng bị hỏng, mai một dần. Chuông cổ hầu hết còn lưu giữ ở các chùa chiền. Nhiều sư trụ trì chùa đã có ý định đúc lại chuông nhưng người dân không đồng ý mà muốn giữ lại làm kỷ niệm. Theo nhiều cụ cao niên ở gần chùa Quang Liệt, nếu đúc lại chuông sẽ không còn giữ được hồn cốt trước đây. Những tinh hoa được đúc mới dù có đẹp đến mấy cũng không thể truyền tải được ý nghĩa của chiếc chuông một thời từng là dấu tích lịch sử. Ông Nguyễn Long Nhiêm ở xã Quyết Thắng cho biết: “Thay vì đúc lại chuông thì các chùa nên bảo tồn, lưu giữ lại ký ức một thời cha ông để lại. Chiếc chuông ở chùa Quang Liệt bị thủng ba lỗ, nếu để lâu vết thủng sẽ loang rộng hơn. Trước mắt nhà chùa và nhân dân cần vá lại những lỗ thủng để cổ vật được bảo tồn lâu dài”. 

Cổ vật là những đồ quý nhưng nhìn chung chưa được bảo vệ cẩn thận. Trước đây, chuông ở chùa Đồng Neo (xã Tiền Tiến) từng bị mất cắp, sau đó đã tìm lại được. Nhiều chùa bị mất tượng Phật, đồ quý giá do chưa bảo vệ tốt. Về lâu dài, các địa phương và nhà chùa nên có biện pháp bảo vệ, bảo tồn cổ vật. 

Thực hiện chương trình, mục tiêu phát triển văn hóa, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã trích ngân sách 500 triệu đồng để chống xuống cấp, tu bổ di tích chùa Bạch Hào. Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Thanh Hà đã xây xong nhà che bia ghi nhớ công lao của 3 vị sư tổ của chùa. Tuy nhiên, số lượng cổ vật còn nhiều, công tác bảo tồn cần có sự chung tay của toàn dân. Ông Phạm Quốc Trọng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết: “Thời gian tới, xã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn, bảo tồn cổ vật còn lưu giữ ở chùa Bạch Hào”.

Để cổ vật còn sống mãi với thời gian, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác tu bổ, giữ gìn, bảo vệ. Đối với các cổ vật quý hiếm, các Ban quản lý di tích địa phương cần kiểm kê, lập danh mục cổ vật tại các di tích và có kế hoạch, xây dựng phương án bảo vệ an toàn.

MINH NGUYỆT