Ký ức chiến tranh biên giới Tây Nam

Tin tức - Ngày đăng : 08:51, 07/01/2019

Trong các trận chạm trán giữa ta và địch ngay sát biên giới luôn ở thế trận giằng co. Cũng có lần lực lượng của ta bị địch vây đánh, các chiến sĩ đã gan dạ vượt lên phá vòng vây...

Cựu chiến binh Nguyễn Thái Tương đọc lại những tài liệu về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa 40 năm nhưng với những người lính tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot thì ký ức về cuộc chiến này vẫn không phai mờ.

“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”

Vừa phải trải qua những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra, hơn ai hết, quân đội và nhân dân Việt Nam luôn khao khát hòa bình. Tuy nhiên, sau năm 1975, Tập đoàn Pol Pot luôn nhăm nhe đánh chiếm biên giới Tây Nam của nước ta, đi tới đâu chúng đều tàn sát dân lành tới đó. Cùng lúc này, ở nhiều đơn vị đang tiến hành giải quyết chế độ cho chiến sĩ xuất ngũ trở về quê hương. Vì vậy, làm công tác tư tưởng để những người lính ở lại trong quân ngũ và tham gia chiến đấu là một việc rất quan trọng. Cựu chiến binh Đỗ Trọng Lợi ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc), nguyên Trợ lý chính trị Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 42, Quân đoàn 3 bồi hồi nhớ lại: “Việc động viên những chiến sĩ tiếp tục ở lại trong quân ngũ và tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam được xem là một trong những nhiệm vụ lớn của các đơn vị, trong đó có Quân đoàn 3. Bởi nhiều người đã được trở về, trong khi nhiều người lính khác vẫn phải ở lại tiếp tục chiến đấu. Có lẽ trên hết là lòng tự tôn dân tộc và khi được biết tới sự tàn nhẫn của chế độ diệt chủng Pol Pot với những người dân vô tội, đã thôi thúc những người lính ở lại, tiếp tục chiến đấu”.

Với mục tiêu cố gắng không để xảy ra chiến tranh, nên suốt hai năm 1975-1977, chủ trương của Đảng ta xử lý xung đột biên giới bằng giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, quân Pol Pot lại luôn tràn sang qua biên giới, đánh chiếm sâu vào làng mạc của nước ta, gây ra nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam. Để tự vệ chính đáng, quân ta chỉ đánh đuổi quân Pol Pot qua biên giới, sau đó rút quân về. Cứ như thế những trận đánh giằng co giữa hai bên dọc biên giới diễn ra rất ác liệt. Quân Pol Pot giết hại nhiều người dân, phụ nữ, trẻ nhỏ của Việt Nam. Và đỉnh điểm là đêm 30.4.1977, Tập đoàn Pol Pot đã mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới An Giang, mở đầu cho cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. “Khi mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp biên giới bằng hòa bình đã thất bại, chứng kiến người dân vô tội bị giết hại, làng mạc bị phá hủy, lúc này ta buộc phải cầm súng”, ông Lợi kể lại. 

Cuộc chiến gian khổ

Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cựu chiến binh Nguyễn Thái Tương ở khu 12, phường Thanh Bình (TP Hải Dương), từng biên chế trong Đại đội 12, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 khi ấy, kể: “Quân đoàn 3 có nhiệm vụ triển khai lực lượng ngăn chặn các cuộc xâm lấn biên giới của quân Pol Pot ở Tây Ninh. Trong cuộc truy quét quân Pol Pot giải phóng Campuchia, Quân đoàn 3 có nhiệm vụ đánh từ Tây Ninh vượt qua tỉnh Kampong Cham đến sông Mê Kông và vùng đông bắc Campuchia. Sau khi cùng đơn vị hành quân vào sát Tây Ninh, chứng kiến cảnh tượng tan hoang, tiêu điều, tôi mới hiểu hết sự tàn ác của quân Pol Pot”. Từ tháng 12.1977 - 1.1978, ông Tương cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot ra khỏi biên giới Tây Nam. Sư đoàn 10 của ông cùng 7 sư đoàn khác được lệnh mở các đợt phản công trên các hướng đường 7, đường 1, đường 2, truy kích quân Pol Pot sâu vào đất Campuchia 20-30 km, tiêu diệt một lượng lớn lực lượng địch và làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của chúng.

“Trong các trận chạm trán giữa ta và địch ngay sát biên giới luôn ở thế trận giằng co. Cũng có lần lực lượng của ta bị địch vây đánh, các chiến sĩ đã gan dạ vượt lên phá vòng vây. Đỉnh điểm có lần chỉ trong vòng 10 ngày, tôi cùng đồng đội phải 2 lần phá vòng vây của địch”, ông Tương nói. Giữa những ngày giao tranh đó, các chiến sĩ của ta phải thường xuyên ở trong rừng. Điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nước, đồ ăn, thuốc đều rất thiếu thốn. Rồi dịch bệnh, sốt rét rừng luôn bủa vây. 

Từ cuối tháng 3.1978, các đơn vị quân đội của ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pol Pot lùi xa biên giới và dồn đối phương vào thế bị động, đối phó. Đồng thời, quân ta hỗ trợ trực tiếp cho phong trào nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia. Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 của ông Tương là đơn vị tiến sâu vào Campuchia và giải cứu ông Heng Samrin -  một trong 2 nhà cách mạng lên kế hoạch lật đổ chế độ Pol Pot. Từ ngày 14.6-30.9.1978, Quân đoàn 3, 4 và 2 sư đoàn thuộc Quân khu 7, 2 sư đoàn thuộc Quân khu 5 đã mở tiếp đợt tiến công lớn trên các hướng đường 1, đường 7, vùng giáp biên giới Tây Ninh và đường 19 kéo dài nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Cuộc tiến công đã hỗ trợ kịp thời lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông, khiến cho Pol Pot bị đánh cả ngoài lẫn trong. Trong đợt tiến công này, ông Tương bị thương ở cổ và chân, được chuyển về tuyến sau dưỡng thương. Khi vết thương lành, ông Tương lại tiếp tục cùng đồng đội cầm súng chiến đấu. 

TÂM PHÚC