Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi: Thực tế còn xa với quy định của pháp luật

Xã hội - Ngày đăng : 15:47, 09/01/2019

Sau 10 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn rất xa so với sự mong đợi.


Khám bệnh cho người cao tuổi ở xã Thống Kênh (Gia Lộc)

Luật Người cao tuổi (NCT) và các văn bản pháp luật liên quan quy định khá rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cho NCT, từ việc khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Khoản 1, Điều 13, Luật NCT 2009, quy định về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú quy định: Trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn NCT kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NCT; khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho NCT; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho NCT”. Điều 3 của Thông tư số 35/2011 của Bộ Y tế cũng quy định: Khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho NCT; khám sức khỏe định kỳ cho NCT được thực hiện ít nhất một lần/năm... Quy định của pháp luật là như vậy, nhưng đến nay, tức là sau 10 năm thực hiện, kết quả còn rất xa so với sự mong đợi.

 6 tháng cuối năm 2018, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện một chuyên đề giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng, trong đó có NCT. Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện khảo sát trực tiếp một số xã, trực tiếp kiểm tra hồ sơ sổ sách của các trạm y tế xã - nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khám và lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe NCT. Kết quả cho thấy: Trong 6 xã được khảo sát, chỉ có 1 xã có sổ theo dõi sức khỏe và có nội dung theo dõi khá đều đặn; 1 xã gọi là có lập sổ theo dõi sức khỏe cho NCT nhưng chỉ là thống kê danh sách NCT nhưng bên trong không có nội dung gì gọi là theo dõi; còn các xã khác không hề có sổ hay hồ sơ theo dõi. Khi trao đổi với lãnh đạo xã, có đồng chí lúc này mới vỡ lẽ ra việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, mà trước đây hầu như phó mặc cho trạm y tế xã.

Một số xã đã thực hiện các hoạt động khám sức khỏe cho NCT hằng năm, nhưng chưa đúng nghĩa là kiểm tra sức khỏe định kỳ, bởi các hoạt động đó là các đợt khám mắt cho NCT do Bệnh viện Mắt và da liễu của tỉnh đang thực hiện hằng năm. Hoặc các đợt vận động các đơn vị y tế khám và phát thuốc miễn phí nhân các Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7, ngày kỷ niệm của NCT 6.6 hay 1.10. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/ năm để làm cơ sở cho việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT (như quy định trong Thông tư 35 của Bộ Y tế) hầu như chưa được thực hiện.

Cần phải hiểu rằng, khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất cũng phải thực hiện các khâu như: khám tổng quát- xét nghiệm máu, nước tiểu- siêu âm ổ bụng- chụp X quang tim, phổi thẳng- điện tim. Ít nhất phải có các nội dung như vậy thì mới có thể biết tình trạng sức khỏe của từng người và có cơ sở để theo dõi, tư vấn về sức khỏe được. Để thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đúng nghĩa đòi hỏi cơ sở y tế phải có các điều kiện về trang thiết bị y tế như máy siêu âm, máy chụp X quang, máy điện tim, lavabo xét nghiệm… Mà các trạm y tế xã hiện nay hầu như không nơi nào có các thiết bị này, chỉ có ở bệnh viện tuyến huyện...

Khi trao đổi với một vị lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo sở cũng đã biết thực trạng việc khám bệnh định kỳ cho NCT và đang có nhiều phương án, dự định để thực hiện hoạt động này. Nhưng còn đang vướng mắc nhiều vấn đề cần giải quyết, từ trang thiết bị đến đội ngũ chuyên môn của tuyến y tế cơ sở, đến ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động này. Hiện nay, tỉnh mới bố trí được nguồn kinh phí cho tuyến cơ sở thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền để nhân dân, NCT nói riêng nâng cao nhận thức, hiểu biết để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Từ kết quả giám sát và tìm hiểu thực tế, có thể thấy để quy định về chăm sóc sức khỏe cho NCT không chỉ "nằm trên giấy", chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là đối với NCT. HĐND, UBND các cấp cần quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện việc khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho NCT. Ngành y tế cần nghiên cứu và sắp xếp hợp lý việc trang bị các thiết bị tối thiểu và có chiến lược đào tạo bổ sung cho cán bộ y tế cơ sở để có thể sử dụng được các thiết bị khi được trang bị. Có thể trang bị theo từng cụm các trạm y tế cơ sở (3-4 xã/cụm). Hoặc có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư hoặc cán bộ y tế cơ sở đầu tư các thiết bị y tế tại các trạm y tế để thực hiện các dịch vụ tối thiểu tại các trạm y tế... 

LƯƠNG ANH TẾ, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh