Chất lượng dạy học buổi hai ở tiểu học hạn chế
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:14, 10/01/2019
Thời gian qua, Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) đã quan tâm tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, trò chơi dân gian cho học sinh
Nhiều năm nay, ngoài buổi chính, học sinh tiểu học của tỉnh còn được các nhà trường tổ chức học buổi hai. Nhưng do còn gặp nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức nên chất lượng dạy buổi 2 ở nhiều trường còn hạn chế.
Nguyên nhân
Cấp tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Học sinh có nhiều thời gian học tập, rèn luyện, trải nghiệm, tạo môi trường để phát triển theo nhu cầu, khả năng. Các em có nhiều cơ hội giao lưu, chia sẻ, hợp tác với bạn bè, tăng cường khả năng tự lập, rèn luyện kỹ năng sống...
Bắt đầu từ năm học 1997 - 1998, Hải Dương triển khai việc dạy học buổi hai từ thứ hai đến thứ sáu đối với cấp tiểu học. Ban đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khuyến khích những trường có điều kiện tổ chức dạy cho học sinh khối lớp 1. Đến nay, tất cả các trường đã tổ chức dạy buổi hai cho toàn bộ học sinh ở các khối lớp.
Hiện trở ngại lớn nhất để các trường nâng cao chất lượng dạy buổi 2 là về đội ngũ. Do thực hiện tinh giản biên chế, cộng với quy mô trường lớp tăng mạnh, lại triển khai dạy 2 buổi/ngày nên phần lớn các trường đã thiếu lại càng thiếu giáo viên. Theo quy định, thực hiện đủ 23 tiết/tuần thì chỉ tính riêng việc dạy 2 buổi/ngày cần 1,52 giáo viên/lớp, chưa tính công tác kiêm nhiệm, việc nghỉ ốm đau, thai sản... Thực tế nhiều năm nay, định mức giao biên chế cho các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày của tỉnh đều không vượt quá 1,5 giáo viên/lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thành (Kim Thành) chia sẻ: "Hiện nay, trường có 13 lớp, mỗi lớp có gần 30 học sinh. Tính theo quy mô lớp, trường chỉ có 1,15 giáo viên trong biên chế/lớp. Năm học này, trường không đủ giáo viên dạy văn hóa làm chủ nhiệm lớp".
Một yếu tố khách quan nữa dẫn đến chất lượng giáo dục buổi hai chưa tốt ở nhiều trường, đó là cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động tập thể, trải nghiệm, văn nghệ, thể thao, học tiếng Anh, tin học, vui chơi, giải trí... Cô giáo Hoàng Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết: "Hiện nay, địa điểm trung tâm của trường có gần 30 phòng học cấp 4 và kiên cố đã xuống cấp. Nhiều phòng bị thấm dột khi trời mưa to. Trường chưa có nhà đa năng; bể bơi, sân chơi, bãi tập cũng chật chội".
Ngoài ra, năng lực, trình độ, sự thiếu sát sao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên một số nhà trường cũng dẫn đến chất lượng dạy buổi hai hạn chế. Nhiều cán bộ quản lý còn lúng túng, chung chung trong xây dựng kế hoạch, thiếu định hướng cụ thể để giáo viên làm căn cứ lựa chọn nội dung dạy học buổi hai cho phù hợp, hiệu quả. Đồng thời chưa mạnh dạn đổi mới nội dung, hình thức, thiếu linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu nên nội dung dạy buổi hai còn tập trung ở hai môn toán, tiếng Việt mà thiếu quan tâm triển khai hoạt động ngoài giờ lên lớp, bồi dưỡng kỹ năng sống, các môn học nghệ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ, trải nghiệm để giúp học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ...
Quản lý cần chặt hơn
Để nâng cao chất lượng dạy học buổi hai, bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT) cho biết: "Sở sẽ tăng cường chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch tham mưu với đảng ủy, chính quyền địa phương điều chỉnh, bổ sung kịp thời để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng việc dạy học 2 buổi/ngày đối với tất cả các trường tiểu học. Các Phòng GDĐT cần hướng dẫn các trường thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học buổi hai. Trong đó, chú trọng thực hiện kiểm tra kế hoạch, việc thu, chi kinh phí, đánh giá chất lượng".
Hiệu trưởng các nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả; thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát kết quả dạy học 2 buổi/ngày đối với từng giáo viên. Đội ngũ giáo viên cần tự bồi dưỡng, tìm tòi, sáng tạo để có những hình thức tổ chức hoạt động phong phú, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường, địa phương. Các cấp, các ngành tăng cường đội ngũ giáo viên cho các nhà trường để bảo đảm đồng bộ về cơ cấu, chất lượng, năng lực giảng dạy; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí nguồn kinh phí cấp cho các nhà trường để chi trả cho giáo viên dạy buổi hai...
DANH TRUNG