Thành lập TP Chí Linh
Chính trị - Ngày đăng : 16:50, 10/01/2019
Tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 30, chiều 10.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Toàn cảnh phiên họp
Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 282,917 km2, dân số 220.421 người; có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 08 phường: Phả Lại, Văn An, Chí Minh, Sao Đỏ, Thái Học, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Bến Tắm và 12 xã: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nhân Huệ, Kênh Giang, An Lạc, Cổ Thành, Đồng Lạc, Hoàng Tiến, Văn Đức, Tân Dân, Cổ Thành. Trong đó, có 7 xã dự kiến thành lập 6 phường (xã Văn Đức và xã Kênh Giang sáp nhập).
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo rà soát các tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính cấp xã tại thị xã Chí Linh để lập Đề án sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương. Đối với những đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định thì tiến hành sắp xếp, sáp nhập. Theo đó, xã Kênh Giang có diện tích đất tự nhiên là 0,462 km2 (46,28 ha), dân số là 596 người, không đạt 50% của cả 2 tiêu chí theo quy định. Vì vậy, phải tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Kênh Giang với xã Văn Đức (xã giáp ranh). Việc sáp nhập 2 xã này nhằm tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, phát triển; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Phương án sắp xếp đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân 2 xã Kênh Giang, Văn Đức và của HĐND các cấp có liên quan.
Về phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của các xã: Hoàng Tiến, An Lạc, Đồng Lạc, Tân Dân, Cổ Thành, Văn Đức và Kênh Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển các ngành nghề kinh doanh - thương mại, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn các xã này đều đạt trên 80%; tổng thu ngân sách hàng năm của các xã đều đạt và vượt chỉ tiêu của thị xã giao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm chú trọng; chất lượng hệ thống giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được nâng cao đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, các xã này đều có những trục đường quốc lộ, tỉnh lộ giao thông huyết mạch đi qua kết hợp với hệ thông giao thông đường thủy, nên có những thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, về cơ sở hạ tầng, thời gian qua, tỉnh Hải Dương và thị xã Chí Linh đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ tại các xã này và đến nay đều được công nhận là xã Nông thôn mới, đây là tiền đề quan trọng để các xã hoàn thành kế hoạch tiến tới thành lập phường. Hiện nay, nhiều dự án, khu nhà ở đã và đang được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu về nhà ở của Nhân dân và những người lao động nhập cư. Cùng với đó là hệ thống các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng phục vụ nhu cầu của Nhân dân phát triển mạnh mẽ; công tác vệ sinh môi trường được quan tâm triển khai đồng bộ với mục tiêu vì môi trường xanh, sạch và bền vững.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình
Đặc biệt cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa đang diễn ra đã nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý dân cư, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường do bộ máy quản lý hành chính Nhà nước theo quy định vẫn được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn. Từ thực tế đó, việc thành lập các phường: Hoàng Tiến, An Lạc, Đồng Lạc, Tân Dân, Cổ Thành và phường Văn Đức (trên cơ sở sáp nhập xã Kênh Giang và xã Văn Đức) là cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị để quản lý điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có và tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, việc thành lập 6 phường nêu trên cũng phù hợp với quy hoạch chung của thị xã Chí Linh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thị xã Chí Linh nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là điểm kết nối trên chuỗi đô thị hành lang kinh tế công nghiệp Bắc Ninh - Chí Linh - Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí - Hạ Long. Có hệ thống đường giao thông thuận lợi, như: quốc lộ 18 chạy dọc theo hướng Đông - Tây qua trung tâm thị xã nối liền Hà Nội - Quảng Ninh; quốc lộ 37 nối quốc lộ 5 và quốc lộ 18, là đường vành đai chiến lược quốc gia; tuyến đường sắt Kép - Hạ Long và Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang triển khai xây dựng; có hệ thống đường thủy trên các sông Thái Bình, sông Thương, sông Đông Mai, sông Kinh Thầy, sông Lục Nam, sông Cầu bao bọc phía đông, tây, nam của thị xã thông thương với Hải Phòng - Bắc Giang - Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, thị xã Chí Linh còn có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch tâm linh với 25 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt (Chùa Côn Sơn và Đền Kiếp Bạc); 8 di tích được xếp hạng quốc gia. Hiện thị xã Chí Linh đang có sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,96%, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,6%, công nghiệp xây dựng chiếm 57,3%, nông nghiệp chỉ còn chiếm 10,1%. Giá trị tổng sản phẩm đạt 11.463 tỷ đồng (tăng 8,96% so với năm 2016), thu nhập bình quân đầu người đạt 65,47 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.009,1 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng của thị xã được nâng cấp, đồng bộ, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc chỉnh trang, nâng cấp, thị xã đã xây mới nhiều Khu đô thị như: Khu đô thị mới Hồ Mật Sơn, Trường Linh, Chúc Cương, thị xã Chí Linh, dự án khu dân cư phía đông đường Yết Kiêu, cụm du lịch biệt thự nhà vườn Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu sinh thái Phú Gia… Mặt khác, để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, cũng như để thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị, thị xã đã tập trung xây dựng nhiều công trình công cộng như khu công viên Hồ Mật Sơn, công viên Hồ Bến Tắm, công viên Phượng Hoàng, quảng trường, sân vận động thị xã và nhiều sân vận động tại các phường, xã phục vụ người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra
Với kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị, đồng thời nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của thị xã để sớm trở thành đô thị động lực, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa thương mại, du lịch và công nghiệp của tỉnh Hải Dương, giữ vị trí chiến lược quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước thì việc thành lập TP Chí Linh là cần thiết.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, kết quả sau khi sáp nhập 2 xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh (Hải Dương), TP Chí Linh sẽ có diện tích tự nhiên là 282,917 km2 (28.291,74 ha) với dân số là 220.421 người; có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 14 phường: Bến Tắm, Phả Lại, Sao Đỏ, Chí Minh, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Thái Học, Văn An, Đồng Lạc, Tân Dân, An Lạc, Văn Đức, Cổ Thành, Hoàng Tiến và 5 xã: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nhân Huệ (giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã). Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 1.668,200 km2 và dân số là 1.797.228 người; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 thành phố Hải Dương, Chí Linh và 10 huyện: Cẩm Giàng, Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Bình Giang, Kinh Môn và Thanh Miện; 264 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 220 xã, 31 phường và 13 thị trấn (tăng 1 thành phố, 6 phường; giảm 1 thị xã, 6 xã và giảm 1 xã).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành về sự cần thiết việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương như Tờ trình của Chính phủ.
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, xã Tân Dân, xã Văn Đức (sau khi nhập với Kênh Giang), xã An Lạc, xã Đồng Lạc, xã Cổ Thành. xã Hoàng Tiến và thị xã Chí Linh đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập phường và thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 1211, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính câp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hồ sơ và trình tự, thủ tục lập Đề án cũng đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian tiến hành chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ hiệu lực thi hành từ ngày .1.3.2019.
Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, ngay sau khi nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh (Hải Dương) cần phải thực hiện phân vạch lại địa giới hành chính của các đơn vị hành chính này để tránh xảy ra tranh chấp sau này. Cùng với đó, chú ý tính toán, cân đối tổng biên chế lực lượng công an sắp xếp ở các đơn vị hành chính mới để tránh tăng biên chế.
Theo Quochoi.vn