Giảm tải cho học sinh

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:25, 12/01/2019

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở cấp THPT, chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm 262-315 giờ học so với chương trình hiện hành.

Ngày 26.12.2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGTĐT về Chương trình giáo dục phổ thông (thường gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) và có hiệu lực thi hành từ ngày 15.2.2019. Thông tư này có những điểm mới tiến bộ, tiếp thu một số kinh nghiệm hay của các nước phát triển.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở cấp THPT, chương trình mới đã giảm 262-315 giờ học so với chương trình hiện hành. Đáng chú ý, ngoài 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương), học sinh được lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn là khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật (mỗi nhóm học sinh phải chọn ít nhất 1 môn học).

Nhiều năm qua, học sinh THPT nói riêng, học sinh phổ thông nói chung gặp nhiều áp lực trong học tập bởi khối lượng kiến thức chương trình rất nặng. Ngoài ra, chương trình hiện hành còn nghiêng nhiều về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đến việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thiếu các hoạt động trải nghiệm thực tế, thực hành... Mỗi học sinh có sở thích, sở trường, điều kiện khác nhau song cùng phải học chung một chương trình với các môn học giống nhau nên khó phát huy năng lực, thế mạnh. 

Đặc biệt, chương trình mới cho phép học sinh có quyền lựa chọn 5 môn học đã thể hiện quan điểm tôn trọng nguyện vọng, sở thích, quyền tham gia vào hoạt động giáo dục của từng học sinh, làm cơ sở để phát huy tốt phẩm chất, năng lực người học, qua đó các em có thể tự định hướng giáo dục nghề nghiệp cho mình. Học sinh có điều kiện học sâu hơn, nhiều hơn những môn mình thích, không phải học một số môn mà bản thân thấy không cần thiết hoặc không thích. Đây là quan điểm mới rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất là bố trí đội ngũ giáo viên. Việc cho phép học sinh lựa chọn 5 môn học có thể dẫn tới trường hợp quá nhiều học sinh đăng ký tập trung vào một số môn học và nhiều môn học khác lại có ít em đăng ký. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên ở những môn học sinh đăng ký học đông và không ít giáo viên lại... nhàn quá. Những năm vừa qua, các thầy, cô giáo giảng dạy các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh vẫn được coi là "có giá" hơn các nhà giáo dạy các môn xã hội vì số lượng học sinh học thêm đông để thi vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu ngành giáo dục không chủ động tính toán, chuẩn bị trước về đội ngũ giáo viên thì khi thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, nếu có rất ít học sinh đăng ký học tự chọn một môn nào đó thì khó tổ chức được lớp học, dẫn tới hệ quả là sở thích, nguyện vọng của số ít học sinh đó không được thực hiện. Tương tự, các môn có nhiều học sinh đăng ký song số lượng giáo viên không đủ thì sẽ giải quyết ra sao?

Từ năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 10, năm học 2023-2024 với lớp 11 và năm tiếp sau với lớp 12. Khoảng thời gian từ nay đến khi chương trình mới áp dụng vào thực tế không còn nhiều. Nếu ngành giáo dục không có sự chuẩn bị chu đáo thì chắc chắn khi thực hiện sẽ lại lúng túng, chệch choạc. 

NINH TUÂN