Thực phẩm sạch kết nối tình quê
Đời sống - Ngày đăng : 08:03, 13/01/2019
Bà Lan chăm chút vườn rau của gia đình để có nguồn rau sạch gửi cho con cháu
An tâm
Gần 3 năm nay, nhà anh Nguyễn Đình Cảng ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) chủ yếu sử dụng nguồn thực phẩm do bố mẹ anh nuôi, trồng ở quê gửi lên. Trước kia, vợ chồng anh thường mua thực phẩm tươi sống ở "chợ cóc" gần nhà. Thế nhưng hằng ngày nghe quá nhiều thông tin về nông sản được sản xuất không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe khiến gia đình anh lo ngại. "Dùng đồ ngoài chợ thì không bảo đảm còn mua trong siêu thị thường xuyên thì điều kiện kinh tế không cho phép", anh Cảng nói. Trước đây, mỗi lần về quê, hai bên nội ngoại đều chuẩn bị ít rau, củ, quả hay con gà, mớ cá để làm quà. Tuy hình thức của những món quà quê không bắt mắt như những sản phẩm mua ở ngoài chợ song là nhà tự làm ra nên anh Cảng rất yên tâm. Vì vậy, anh nghĩ ngay tới việc sẽ dùng thực phẩm ở quê cho bữa ăn hằng ngày. "Thấy các con, các cháu thích ăn đồ tự nuôi, tự trồng nên bố mẹ tôi cũng chăm chút mảnh vườn nhỏ của gia đình hơn để có nguồn cung liên tục, dồi dào", anh Cảng nói.
Đều đặn 2 tuần 1 lần, bà Nguyễn Thị Lan ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) lại thu hái các loại rau trong vườn nhà để gửi cho 2 người con đang làm việc tại Hà Nội. Trước đây nhiều lần lên Hà Nội phụ giúp các con trông cháu, bà Lan thấy thực phẩm mua ở thành phố đắt đỏ lại không ngon. Do đó, mỗi lần lên thăm con cháu bà đều gói ghém rau, ít thịt mang theo và đến nay các con bà đã "nghiện" đồ quê. "Bây giờ cứ đến ngày mà chưa nhận được đồ tôi gửi lên là chúng nó lại gọi điện giục. Vì công việc bận rộn, các con tôi tiện đâu mua đấy nên đồ ăn thường không tươi ngon. Từ ngày tôi gửi đồ lên, các con tôi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn có được bữa ăn an toàn", bà Lan vui vẻ nói. Để gia đình các con có thể sử dụng trong 2 tuần, bà Lan phải đóng gói riêng từng loại. Các loại củ, quả giữ được lâu nên bà gửi nhiều hơn. Gà, cá đều được làm sạch, cấp đông trước khi gửi.
Trước nỗi lo thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường trong khi người tiêu dùng vẫn loay hoay tìm cách nhận biết các sản phẩm sạch, chất lượng thì việc nhiều gia đình sử dụng thực phẩm do chính người thân làm ra thay vì đi mua là giải pháp tối ưu. Mặc dù nông sản tự túc không đa dạng nhưng có nguồn gốc rõ ràng nên mọi người tin tưởng hơn. Đây là cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước ma trận thực phẩm bẩn.
Gắn kết
Từ ngày về hưu, niềm vui của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) là được tự tay chăm sóc vườn rau nhỏ và vỗ béo gần chục con gà. Mùa nào thức nấy, từ rau gia vị cho tới các loại rau, củ, quả thiết yếu như cải bắp, su hào, bí xanh, đỗ leo... đều được bà chăm bón tỉ mỉ. Với bà Loan, công việc này không chỉ giúp bà cải thiện sức khỏe tuổi già mà còn có nguồn thực phẩm sạch gửi cho gia đình các con đang sinh sống ở thành phố. Bà Loan phấn khởi nói: "Dịp cuối tuần, con cháu đều về đông đủ. Rau, gà vườn nhà sẵn có nên tôi không phải mua bán nhiều mà vẫn có đồ ăn ngon cho con cháu. Mặc dù rau tự trồng không phong phú nhưng bảo đảm sạch. Không những vậy, các cháu tôi rất thích thú khi được theo bà ra vườn hái rau, nhặt cỏ. Từ vườn rau, chúng học thêm được nhiều điều, biết quý trọng công sức lao động và yêu thiên nhiên".
Cũng từ khi chuyển sang dùng thực phẩm do người thân ở quê gửi lên, gia đình anh Nguyễn Quý Dương đang sống tại Hà Nội cảm thấy gắn bó và gần gũi với quê hương hơn. Những cuộc nói chuyện qua điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ giữa bố mẹ với con cái, ông bà với các cháu chỉ để hẹn lịch gửi đồ hay thông báo về những loại rau, thịt sẽ được nhận. Anh Dương cho biết: "Vì sống ở thành phố nên các con tôi ít được tiếp xúc với thực tế. Chúng chỉ biết tới các loại rau, củ, quả qua sách vở. Do đó, mỗi khi ông bà ở quê gửi đồ lên chúng đều háo hức, tò mò. Cũng chính vì điều này mà hơn 1 năm nay, dù bận rộn thế nào, mỗi tháng tôi đều cố gắng sắp xếp công việc, đưa các cháu về quê vừa để thăm ông bà, vừa để tìm hiểu về cây cỏ, vật nuôi. Anh em trong nhà thường hẹn nhau về đông đủ cùng một dịp, mổ lợn chia nhau. Áp lực công việc, gánh nặng gia đình như được trút bỏ".
Thực phẩm quê do đích thân ông bà, bố mẹ làm ra để gửi cho con cái ở xa không chỉ giúp gia đình những người con yên tâm sử dụng mà còn thể hiện sự quan tâm, thắt chặt hơn nữa tình cảm gia đình.
DŨNG CƯỜNG