Thương nhớ một tài hoa
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 18:14, 13/01/2019
Nhà thơ-nhạc sĩ-họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Người bảo anh là một nghệ sĩ tài hoa; người nói anh đa tài, đa tình; người bảo anh thông tuệ, ngang tàng và... "gàn" như "ông đồ xứ Nghệ"; người nói anh hào hiệp, chỉn chu... như chính khách... Với tôi, Nguyễn Trọng Tạo là tổng hoà tất cả. Bởi anh, không chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người bằng văn, thơ, nhạc, hoạ với nhiều tác phẩm mãi đi cùng năm tháng mà còn ở tình người.
Tôi biết và đọc Nguyễn Trọng Tạo khá lâu, nhưng mãi năm 1993 mới gặp nhau ở Trường Viết văn Nguyễn Du trong một kỳ ngắn hạn. Từ đó thân nhau, rồi cộng tác với nhau. Và rồi, anh trở thành cộng tác viên thân thiết của Báo Hải Dương. Anh thường xuyên có bài cho báo, khi thơ, khi nhạc, khi văn... Anh còn kéo thêm nhiều bạn văn chương, báo chí cộng tác với báo Hải Dương vì lòng mến mộ. Đặc biệt, những dịp làm báo Tết, anh luôn có bài gửi về đúng hẹn. Có bản đánh máy, có bản viết tay, chữ bay và hoạt. Rồi những lần họp cộng tác viên, anh hiếm khi vắng mặt. Khi về cùng các nhà thơ Bằng Việt, Vũ Quần Phương, khi với Nguyễn Hoa, Nguyễn Đức Mậu...
Gặp nhau là hồ hởi tưng bừng. Những lần họp mặt, mọi người thường muốn nghe anh phát biểu, hát hoặc đọc thơ. Lúc đó, anh đứng lên, gương mặt hồng như có hơi men, mái tóc xoăn dưới vành mũ lưỡi trai lãng tử, tay cầm micro với giọng ấm áp thân tình. Anh nói về báo chí hiện thời, về nội dung, hình thức, chất lượng của báo Hải Dương. Anh khẳng định về trang văn nghệ trên báo Hải Dương. Anh bảo văn nghệ trên báo Hải Dương đã làm "mềm hoá" những vấn đề chính trị-kinh tế để đến với bạn đọc một cánh nhẹ nhàng mà hấp dẫn. Vì tờ báo lớn không phải là tờ báo to. Tờ báo to là tạo ra sự ảnh hưởng lớn. Anh mong báo Hải Dương ngày càng "lớn".
Nhớ lần anh đọc bài thơ dài "Tản mạn thời tôi sống", mọi người như lặng đi trước những ngổn ngang của cuộc sống đang bề bộn trong thơ. Bài thơ dài, anh đọc liền mạch, giọng hào sảng, mở và kết đều bằng câu "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" như niềm tin sắt đá vào quy luật tất yếu. Rồi những lần nghe anh hát "chay" "Làng quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê"... mà mọi người tự thấy tưng bừng, xúng xính tưởng cùng nhau đi hội, hoặc sâu lắng cùng hồi tưởng về làng quê thân thương... Khi ấy, chỉ thấy một Trọng Tạo giản dị, đam mê, hòa đồng cùng các cộng tác viên.
Ngoài những lần "chính ngạch" về với báo, anh còn có những chuyến tạt ngang "tiểu ngạch" thật vui. Nhớ lần ngồi nhâm nhi ở quán "Cá Cựa" bên hồ Bạch Đằng, vừa chuyện, vừa đọc thơ. Mấy cháu nhân viên phục vụ quên cả nhiệm vụ của mình cũng xúm xít vây quanh Nguyễn Trọng Tạo. Đến khi nghe tiếng ông chủ gọi mới giật mình nhớ là đang làm việc. Hôm ấy, một thực khách bàn bên, vì cảm kích và mến mộ, cứ nằng nặc đòi được thanh toán cho bữa ăn của "khổ chủ" tiếp nhà thơ-nhạc sĩ.
Với tôi, những cuộc như thế cùng Nguyễn Trọng Tạo khá nhiều, khi ở nhà riêng, khi ở quán bình dân. Vốn tửu lượng không nhiều, nên một lần Trọng Tạo đã làm tôi bị "ngất ngây". Ấy là một buổi chiều ngẫu hứng, Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Trần Ninh Hồ từ Hà Nội "đánh võng" qua tôi. Thế là ngồi với nhau từ 5 giờ chiều tới tận 3 giờ sáng. Thấy tôi mệt, Trọng Tạo bảo tôi đi nằm. Sáu giờ sáng, tôi vẫn nằm, mắt nhắm mắt mở đã thấy anh vào đánh thức tôi. Nhìn lên, đã thấy một Trọng Tạo chỉn chu, gương mặt sáng ngời, anh bảo vừa tắm xong, tay cầm chai rượu uống dở từ hôm trước đặt cạch xuống mặt bàn, bảo tôi: "Dậy làm chén khai vị đi ông". Lần khác, không biết từ đâu anh tạt qua tôi, vừa bước vào phòng, anh thọc tay vào chiếc túi áo rộng thùng thình, đưa cho tôi lạng cao rồi cười bảo: "Ông cầm lấy uống, một đại gia mới cho mình". Tôi cầm và bảo: "Ông đi khiếp thật! Lúc thì ở Sài Gòn, khi Đà Lạt, lúc về Vinh, thoắt ở nước ngoài, giờ đã về Hải Dương".
Trọng Tạo còn mang tiếng là rượu nhiều, hút lắm và cương trực. Nhưng thật hiếm khi tôi thấy anh "trăm phần trăm" mà chỉ thấy anh nhâm nhi, lai rai như quên giờ giấc. Cách cầm ly rượu và điếu thuốc trên hai ngón tay của anh trông cũng thật sang trọng. Một lần, ngồi tranh luận với một nhà thơ khá nổi tiếng và hoạt ngôn về thơ Ê-xê-nhin, tôi nghe loáng thoáng Trọng Tạo nói giọng quyết liệt như khẳng định điều gì và thấy nhà thơ kia im, lặng lẽ...
Anh sống hồn hậu, làm sang, làm đẹp cho đời!
Bây giờ, ngồi gõ những dòng này, trước giá sách là một loạt ấn phẩm của Trọng Tạo tặng tôi-những tập thơ, những trường ca, đĩa nhạc, tôi lại như thấy bóng dáng anh từ Hà Nội về đưa bìa sách tập thơ "Dòng sông năm tháng" của tôi do anh vẽ và bài viết về tập thơ mà anh tặng tôi như một tấm tình nồng hậu.
Bây giờ, con người tài hoa ấy đã mãi mãi ra đi. Anh trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ 50 ngày 7.1.2019, khi gần chạm tuổi 73, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong một ngày mưa dầm dề và rét, sau gần ba tháng mắc bệnh trọng!
Anh Tạo à! Cuộc đời là vô thường. Thời gian là vô hạn. Chỉ cuộc sống của ta là hữu hạn.
Nhưng, cái hữu hạn của Nguyễn Trọng Tạo đã để lại trong tình yêu bạn bè là vô hạn!
Cầu mong nhà thơ-nhạc sĩ-họa sĩ đa tài Nguyễn Trọng Tạo ở nơi xa thẳm được nhẹ nhàng, siêu thoát!
Hải Dương, trưa 9.1.2019
(Cùng thời gian truy điệu nhà thơ-nhạc sĩ-họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo tại Hà Nội)
HÀ CỪ