Sự tri ân ý nghĩa

Xã hội - Ngày đăng : 09:33, 15/01/2019

Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh tật từ 81% trở lên... được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/ngày.

Thông tư số 101/2018/TT-BCT có nhiều điều chỉnh về chính sách đối với người có công. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ địa phương

Theo Thông tư số 101/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14.11.2018 quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý thì từ ngày 1.1.2019, lĩnh vực này sẽ có một số điều chỉnh thay đổi theo hướng tích cực.

Theo đó, các đối tượng thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tích, thương tật (tổn thương cơ thể), bệnh tật từ 81% trở lên được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/ngày vào các ngày lễ, Tết (tiền ăn). Như vậy, sẽ có gần 600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học mất sức từ 81% sức khỏe trở lên hoặc bị khuyết tật nặng ở tỉnh ta có thêm niềm vui bắt đầu từ dịp Tết Kỷ Hợi này. Tính theo mức hỗ trợ thêm kể trên thì bình quân mỗi năm, họ sẽ nhận thêm khoảng 2triệu đồng. Đây là sự tri ân kịp thời, ý nghĩa đối với người có công với cách mạng, tiếp nối mạch nguồn "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta. 

Ông Dương Bá Việt, thương binh hạng 1/4 ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) vui vẻ cho biết: "Nếu tính theo mức hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước hiện nay đối với thương binh, bệnh binh nặng thì số tiền trên không phải nhiều. Nhưng nó ý nghĩa là bởi chúng tôi được nhận vào dịp lễ, Tết. Đây là những ngày mà con cháu quây quần, đoàn viên bên cha mẹ, ông bà. Có thêm chút kinh phí chi dùng cho ngày ấy thì tinh thần của chúng tôi cũng phấn khởi hơn".

Bên cạnh đó, điều 12 của thông tư này quy định: thân nhân liệt sĩ (không quá 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được cơ quan lao động, thương binh, xã hội cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ trong nước mỗi năm một lần được hỗ trợ theo đơn giá 2.000 đồng/km/người; mức hỗ trợ tối đa 2,4 triệu đồng/người/lần. Số tiền này cao hơn hẳn so với mức hỗ trợ áp dụng trước đây, riêng mức hỗ trợ tối đa tăng thêm 700.000 đồng/người/lần.

Bà Hà Thị Vũng là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Chấn ở xã Nghĩa An (Ninh Giang). Liệt sĩ Chấn hy sinh năm 1978 ở mặt trận phía Tây Nam, mộ của liệt sĩ đã được quy tập tại nghĩa trang xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Thời gian qua, bà Vũng và người thân vẫn thường vào Bình Phước thăm viếng mộ liệt sĩ Chấn. Nhưng do chi phí hết nhiều nên có năm bà và người thân cũng không tổ chức đi được. Biết tin được nâng mức trợ cấp khi đi thăm mộ liệt sĩ ở xa, bà Vũng rất vui. Từ Hải Dương vào Bình Phước khá xa, nên thêm phần hỗ trợ, hằng năm bà Vũng và người thân sẽ có cơ hội đi thăm viếng mộ liệt sĩ đều đặn hơn.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định chi tiết, cụ thể nhiều nội dung khác như: các khoản chi giao cho cơ sở nuôi dưỡng, điều trị người có công với cách mạng; đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ từ nguồn vốn sự nghiệp; hỗ trợ kinh phí cất bốc và di chuyển một bộ hài cốt liệt sĩ... Kinh phí thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về quản lý đối tượng, hồ sơ, quản lý tài chính, kế toán và tổ chức thực hiện chi trả do ngân sách Trung ương bảo đảm, bố trí trong dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hằng năm.

Thông tư 101/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh cần chủ động triển khai để mang niềm vui ý nghĩa đến với người có công với cách mạng, nhất là khi Tết Kỷ Hợi đang đến gần.

THANH NGA