Hai cơ sở nha khoa hoạt động trái phép
Bạn đọc - Ngày đăng : 15:09, 17/01/2019
Dù bị Thanh tra Sở Y tế yêu cầu đóng cửa nhưng cả hai cơ sở dịch vụ về răng miệng vẫn hoạt động (ảnh chụp ngày 10.1.2019)
Báo Hải Dương nhận được đơn của người dân phản ánh về sai phạm trong hoạt động của Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt ở gần cầu Lang Khê, xã An Lâm (Nam Sách) và cơ sở khám chữa bệnh nha khoa Đức Khu ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà). Theo nội dung đơn, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt trên do bà Nguyễn Thị Xam làm chủ, dù bà Xam chỉ là điều dưỡng viên nhưng nhận làm bác sĩ chính, thực hiện các thủ thuật chuyên môn hơn cả bác sĩ chuyên khoa. Chủ cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nha khoa Đức Khu chỉ có trình độ trung cấp điều dưỡng.
Ngày 13.12.2018, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở dịch vụ về răng miệng nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt ở gần cầu Lang Khê có 2 ghế răng và các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khám chữa răng. Bà Xam, chủ phòng khám không có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Cũng tại thời điểm kiểm tra, cơ sở khám chữa bệnh nha khoa Đức Khu có 2 ghế răng, chưa có giấy phép hoạt động. Ông Nguyễn Đức Khu, chủ cơ sở chỉ có trình độ trung cấp điều dưỡng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu 2 cơ sở trên phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh; hạ biển quảng cáo; tháo dỡ các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh hiện có; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh. Bà Xam và ông Khu đều đã cam kết chấp hành yêu cầu của đoàn, sẽ đóng cửa cơ sở cho đến khi được cấp phép hoạt động.
Mặc dù vậy, đến ngày 6.1.2019, trong vai khách hàng, tôi đến phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt do bà Xam làm chủ. Tại đây, hoạt động của phòng khám vẫn diễn ra bình thường. Sau khi tiến hành lấy cao răng, tôi được tư vấn nên cắt lợi để giữ an toàn cho răng miệng. Cùng ngày trên, tôi đến cơ sở khám chữa bệnh nha khoa Đức Khu hỏi việc nhổ bớt 1 chiếc răng kẹ (răng mọc thừa). Ngoài tôi, cơ sở còn có một vài vị khách, nhân viên vẫn làm việc bình thường. Tôi được tư vấn nên nhổ bớt chiếc răng kẹ để tránh bị sâu và làm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến những chiếc răng khác. Đến ngày 10.1, khi tôi trở lại thì thấy 2 cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động.
Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế, do nhân lực ít trong khi địa bàn rộng, phải tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở nên từ khi lập biên bản đến ngày 10.1, Thanh tra Sở Y tế chưa kiểm tra lại để xem xét việc thực thi quy định của 2 cơ sở dịch vụ về răng miệng sau khi bị đình chỉ hoạt động. Thời gian tới, Thanh tra Sở Y tế sẽ gửi công văn đề nghị Phòng Y tế huyện Nam Sách và Thanh Hà giám sát quá trình thực thi pháp luật của 2 cơ sở này.
Khi người dân tới khám chữa bệnh ở những cơ sở chưa được cấp phép hoạt động, thậm chí người thực hiện khám chữa bệnh còn chưa có chứng chỉ hành nghề có thể dẫn tới hậu quả khó lường. Qua sự việc trên, đề nghị Sở Y tế thắt chặt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Khi lựa chọn khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tư nhân, người dân cần chú ý tìm hiểu, quan sát xem cơ sở đó đã được cấp giấy phép hoạt động hay chưa (nếu đã được cấp, số giấy phép sẽ được ghi trên biển hiệu), tên của bác sĩ đứng ra chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, tránh để tiền mất tật mang.
PV
Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14.11.2011 của Bộ Y tế quy định chỉ có bác sĩ mới được đứng ra chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh. Đây cũng là điều kiện tiên quyết khi xét đến các tiêu chí để cấp phép hoạt động cho một cơ sở khám chữa bệnh nói chung, cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt nói riêng. Sau khi bảo đảm tiêu chí về nhân lực thì mới xét đến các tiêu chí khác như cơ sở vật chất, trang thiết bị... |