Đường đi của cát lậu
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 18:13, 20/01/2019
Các tàu khai thác trộm cát vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ
Cần là có
Trong vai người tìm mua cát san lấp mặt bằng một khu dân cư mới trên địa bàn huyện Thanh Miện, chúng tôi tìm đến âu thuyền Cầu Cất (TP Hải Dương). Theo hướng chỉ tay của bác chủ quán nước là 2 tàu nhỏ không biển số chứa đầy cát đang nằm ngay cửa âu thuyền chờ nước lên để vào sông trong. Sau khi biết ý định của tôi, một trong ba người đàn ông tên L. cho biết việc vận chuyển cát về Thanh Miện sẽ gặp nhiều khó khăn do không thuận đường nên giá sẽ cao hơn các nơi khác. “Có thể chạy theo hướng sông Sặt đổ về bãi ngay chân cầu Cậy rồi bốc lên xe ô tô hoặc qua cống An Thổ vào sông Đĩnh Đào, sau đó dùng máy để bơm vào bãi. Dùng kiểu gì thì giá cũng cao hơn ở đây vài chục nghìn”, anh L. tư vấn.
- Em làm gần chục ha nên cần khối lượng lớn, anh có lo được không? - tôi hỏi.
- Chú an tâm, nếu cần bọn anh huy động thêm tàu của anh em. Anh sẽ mua lại cát của các tàu từ Trung Hà (Hà Nội - PV) xuống nên không lo thiếu nguồn! - anh L. trả lời chắc nịch.
Cũng tại quán nước ngay âu thuyền Cầu Cất, tôi gặp được Đ. là chủ tàu VP 12… qua giới thiệu của một người thường xuyên chạy cát tuyến Hà Nội - Hải Dương. Khi biết tôi đang tìm nguồn cát san lấp, Đ. tranh thủ thời gian chờ bơm cát lên khu đô thị gần đó để nói chuyện với tôi. “Cát em lấy ở mỏ trên Trung Hà nên anh không lo nguồn hàng. Ở trên đó, bọn em chỉ cần đưa tàu vào, lấy cát rồi trả tiền. Cát đưa về Hải Dương chỗ nào cũng nhận vì giá rẻ. Gọi là lấy trong mỏ nhưng em có biết ông chủ mỏ là ai đâu. Em chỉ biết đo cát, đưa tiền cho một người trực ở đấy là xong. Mọi chuyện đơn giản lắm!”, Đ. nói.
Biết tôi có ý định lấy khối lượng lớn, Đ. cho hay có thể huy động được 10 tàu chạy liên tục. Đ. bảo: “Chỉ sợ anh không bốc kịp thôi. Nếu anh bốc nhanh, mỗi ngày em có thể điều cho anh 3 - 4 chuyến. Giá thì anh không phải lo, trên Tiên Kiều (Cẩm Giàng - PV) em đổ giá 43 (43.000 đồng/m3 - PV), dưới này em lấy thêm 2 giá là 45 (45.000 đồng/m3 - PV). Tính cả công bốc dỡ, vận chuyển nữa vào đến Thanh Miện chắc phải ngót 100 mỗi khối (100.000 đồng/m3 - PV) đấy. Anh tính xem nếu phù hợp thì báo em”.
Hiện nay, nhiều công trình sử dụng cát không rõ nguồn gốc
Cũng thông qua giới thiệu, tôi tìm gặp một người tên T. ở làng chài Kim Lai (TP Hải Dương). Cũng như anh L., anh T. bảo đảm có thể cung cấp đủ khối lượng cát theo yêu cầu. Thời gian gần đây, do sự kiểm tra gắt gao của các lực lượng chức năng, việc khai thác trộm hầu như không thực hiện được nên anh T. cùng nhóm của mình phải lấy lại cát từ các tàu lớn trên Trung Hà chuyển xuống. Thỉnh thoảng tranh thủ sơ hở mới trộm một vài tàu. Thuyền nhỏ, cát phải mua lại nên anh T. chỉ cấp cho các bến ở sông trong mới có lãi. Khi biết tôi muốn lấy cát san lấp cho các dự án ở xã Phạm Kha (Thanh Miện), anh T. cho biết: “Cấp về đó đều phải đi ngược đường nên giá sẽ rất cao. Tốt nhất chú xuống cống An Thổ hỏi đội tàu dưới đó xem có thể lấy cát từ cửa Luộc về không. Đi lối đó tiện đường, tàu 300 - 400 khối có thể vào được. Đến đò Đáy chỉ cần dùng máy bơm qua mấy trạm là xong, chi phí cũng rẻ hơn nhiều”.
Những ngày thực hiện bài viết này, chúng tôi nhiều lần la cà tại quán nước ngay âu thuyền Cầu Cất. Trong câu chuyện với những người ở đây, chúng tôi biết rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các tàu cát sau khi “ăn hàng” sẽ không tập trung tại âu thuyền như trước mà tản ra chờ dịp thuận tiện để vào sông trong. Tàu khai thác trộm thường trà trộn với các tàu mua cát từ tỉnh ngoài nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Do mua lại nên lợi nhuận không lớn so với trước, vì vậy các chủ tàu vẫn tìm cách khai thác trộm nếu có cơ hội.
Không nguồn gốc
Nguồn cung nhiều nhưng hầu như không chủ tàu nào có giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát. Khi biết tôi cần hóa đơn để thanh toán do công trình sử dụng vốn nhà nước, anh L. ngại ngần: "Bọn anh tàu nhỏ, cát thì mua lại nên chẳng bao giờ có những loại giấy tờ đó đâu. Chú đòi thế là làm khó cho bọn anh rồi. Từ trước tới nay, anh đổ cát cho rất nhiều chủ bãi ở sông trong, cứ giá cả hợp lý là đo tàu thu tiền thôi, có ai đòi hóa đơn đâu".
- Không giấy tờ gì các bác không sợ bị kiểm tra, xử phạt à? - tôi hỏi.
Anh L. cười bí hiểm: "Cũng phải lựa chứ. Bọn anh có cách của mình. Nếu không được thì tìm cách mà tránh, không tránh được thì có mà chết đói à? Chú muốn khối lượng bao nhiêu anh cũng có nhưng hóa đơn, giấy tờ chú phải tự lo".
Người đàn ông này khẳng định không tàu cát nào có giấy tờ chứng minh nguồn gốc
Đối với Đ., mặc dù cát được lấy trong mỏ nhưng chẳng bao giờ Đ. cần đến giấy tờ khi lưu thông cũng như khi đổ cát cho các bến bãi ở Hải Dương. Khối lượng nhiều, giá lại rẻ, nhu cầu lớn nên cát về đến đâu bán hết đến đấy. Đ. cho biết: "Gọi là lấy trong mỏ nhưng em có hình dung ra mỏ thế nào đâu. Cai thầu chỉ chỗ nào em lấy chỗ đó. Cứ cho tàu vào hút cát, tính khối lượng rồi trả trực tiếp bằng tiền mặt. Không có giấy tờ nên khi chạy trên sông, cát trong mỏ với cát hút trộm chẳng ai phân biệt được". Đ. cho rằng lấy cát ở mỏ chỉ là cái cớ để chống đối cơ quan chức năng. Giấy phép khai thác bao giờ cũng ghi rõ diện tích, khối lượng cát được phép khai thác hằng năm. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng trăm tàu từ các nơi đổ về khai thác, chẳng có giấy phép nào đáp ứng được. Theo Đ., chỉ những công trình, dự án nào lớn chủ mỏ mới cấp cho hóa đơn, nhưng khối lượng cũng rất hạn chế. Hoá đơn chủ yếu dùng để chống đối cơ quan chức năng. Đối với những tàu mua nhỏ lẻ, trả tiền trực tiếp cho cai thầu thì không cần đến những loại giấy tờ này. "Em đổ cát suốt từ cảng Tiên Kiều xuống bến Đò Neo nhưng có bao giờ phải xuất hóa đơn đâu. Các chủ bãi thì cứ cát nào rẻ là họ lấy. Có giấy tờ hay không cũng chẳng quan trọng", Đ. chia sẻ thêm.
Khi thấy tôi băn khoăn tại sao cát không có bất cứ loại giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc nhưng vẫn được tiêu thụ một cách dễ dàng, chủ một bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Hà thừa nhận chủ các bãi cát lớn bao giờ cũng có vài hóa đơn "dắt túi" đề phòng khi các cơ quan chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, nguồn gốc cát ghi trên hóa đơn không phải lúc nào cũng trùng khớp với nguồn gốc cát lưu trên bãi. Hóa đơn bao giờ cũng ghi nhiều hơn lượng cát thực mua từ chủ mỏ. Số dư này để các chủ mỏ có thể hợp thức hóa lượng cát không nguồn gốc thu mua từ các nguồn trôi nổi. Nếu cát nào cũng có hóa đơn, giá thành đội lên rất nhiều, sẽ rất khó cạnh tranh với các bãi khác. Chủ bãi này cho biết thêm: "Do có hóa đơn làm bình phong nên cát không rõ nguồn gốc vẫn được các chủ bãi thu gom, tiêu thụ một cách dễ dàng. Mỗi hóa đơn có thể dùng để chứng minh nguồn gốc cho nhiều lần khối lượng tiêu thụ thực tế. Thậm chí, chẳng cần quen biết với chủ mỏ, hóa đơn cát cũng có thể mua được dễ dàng". Khi tàu về bến, do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên cát trong mỏ với cát hút trộm rất khó phân biệt. "Nếu ông chủ bến bãi nào khẳng định cát có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì đa số họ đều "chém gió", nhất là chủ các bến, bãi nhỏ lẻ. Vì cát có hóa đơn chuẩn giá sẽ cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/m3, hóa đơn mua được cũng phải trả thêm từ 5.000 - 6.000 đồng/m3. Với giá đó, chẳng bãi nào bán được hàng", chủ một tàu cát khẳng định.
Việc thu gom, tiêu thụ cát không nguồn gốc khiến ngân sách nhà nước thất thu một khoản không hề nhỏ. Ông Dương Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc cho biết qua kiểm tra hoạt động của các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trong huyện Tứ Kỳ, nhiều chủ bến bãi không thể xuất trình được hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát. Vì vậy, cơ quan thuế buộc phải tính thuế khoán thay vì tính thuế trên khối lượng tiêu thụ thực tế, việc thất thu ngân sách không thể tránh khỏi.
Mặc dù việc kiểm tra, xử phạt hoạt động khai thác cát trái phép được các cơ quan chức năng ngăn chặn bằng nhiều biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, nếu tình trạng cát không rõ nguồn gốc vẫn được tiêu thụ dễ dàng, hoạt động khai thác cát trái phép khó giải quyết triệt để.
VỊ THỦY