Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 2: Những "cột mốc" chủ quyền
Tin tức - Ngày đăng : 10:04, 25/01/2019
>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 1: Mang mùa xuân quê nhà ra Trường Sa
Bất chấp nắng, mưa, anh Xuân đều phải thu thập dữ liệu khí tượng, thời tiết để chuyển về đất liền
"Thư gửi từ Trường Sa"
Theo thời gian, những phong thư đã nhường chỗ cho các phương tiện liên lạc hiện đại hơn. Nhưng với nhiều người ở Trường Sa, đến Trường Sa thì những dòng chữ, tấm thiệp vượt sóng về đất liền vẫn mang ý nghĩa thật đặc biệt.
Dưới bóng mát của những cây bàng vuông xanh mướt ở thị trấn Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Mạnh Tuyên, Bí thư Đoàn thanh niên Trường THPT Ngô Quyền (Thái Nguyên) cùng một số thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ngồi cặm cụi viết những tấm thiệp chúc mừng. Mỗi tấm thiệp đều có hình ảnh Trường Sa được gấp cùng với một lá bàng hay lá tra khô. Đã nhiều năm nay, mỗi lần đến đây, các thành viên câu lạc bộ đều làm công việc này để gửi lời cảm ơn những người đồng hành với những chuyến quà ra Trường Sa. Điều đặc biệt là mỗi phong thư đều được đóng dấu "Thư gửi từ Trường Sa" như những lời nhắn gửi đầy yêu thương từ đảo xa về đất liền. Có thể đoàn công tác về cả tháng rồi những tấm thiệp này mới theo tàu, theo những chuyến bay đột xuất vào đất liền đến tay người nhận. Nhưng điều đó dường như cũng không quá quan trọng với người gửi và cả với người nhận. "Quan trọng là mọi người biết được những món quà mà mình gửi đã đến được các chiến sĩ Trường Sa. Hơn thế nữa, việc này cũng phần nào giúp những người chưa một lần đến Trường Sa cảm nhận được vị sóng, vị gió nơi đây", anh Tuyên bộc bạch.
Anh Phạm Hùng Dũng, 33 tuổi, cán bộ Điểm Bưu điện-Văn hoá đảo Trường Sa đã công tác ở đây gần một năm nay là người chuyên chở những lá thư của các chiến sĩ, các đoàn khách. Dần quen với nỗi nhớ nhà, khi nhắc đến gia đình, anh Dũng chia sẻ: "Mình mới có một bé trai một tuổi. Lúc mình đi công tác bé còn chưa biết lật nên cũng thương lắm. Thỉnh thoảng mình lại giục vợ gửi vài tấm ảnh ra cho xem để bớt nhớ gia đình".
Còn hơn bốn năm nữa công tác ở Trường Sa, với số lần được về thăm nhà chắc chắn rất ít ỏi, đó là cả quãng thời gian dằng dặc anh Dũng xa cách đất liền, xa cách gia đình. Thế nhưng, với anh Dũng cũng như những người lính nơi đây, mọi nỗi niềm riêng đều phải nhường chỗ cho công việc chung. Hằng tháng, tận tay đóng gói, chuyển những cánh thư, những bưu phẩm mà các chiến sĩ, người dân gửi về đất liền khiến anh cảm thấy ấm lòng và tự hào về công việc của mình. Ngoài công việc ở bưu điện, anh Dũng còn tham gia công tác Đoàn, thường xuyên cùng cán bộ thị trấn Trường Sa giao lưu văn nghệ, thể thao với các đơn vị quân đội. "Công tác ở đây vợ chồng mình cũng xác định sẽ có nhiều khó khăn, thử thách và phải vượt qua bằng được. Từ khi ra đây, bạn bè, người thân có gọi điện hỏi thăm cũng biết ý chỉ nói chuyện vui để mình yên tâm công tác. Còn mình ở đây nếu có ốm qua loa cũng chẳng báo để ở nhà bớt lo lắng", anh Dũng chia sẻ.
Vượt nắng, thắng mưa
Câu chuyện giữa tôi và anh Hoàng Văn Xuân (41 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) bị ngắt quãng vì đến giờ anh phải truyền số liệu về đất liền. Là Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa, anh Xuân đã công tác tại đây gần 5 năm. Hằng ngày, anh Xuân cùng 4 đồng nghiệp của mình phải thu thập dữ liệu khí tượng, thời tiết, hải văn 24/24 giờ rồi 3 tiếng một lần gửi về đất liền. Những khi khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết xấu, việc chuyển dữ liệu phải thực hiện 30 phút một lần.
Công việc mà mọi người hay nói thấy gió, thấy bão thì chạy ra vốn đã vất vả lại càng hiểm nguy hơn nơi đảo xa. Mỗi năm ở Trường Sa chịu ảnh hưởng của 3 - 4 cơn bão. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, quanh năm anh Xuân và các đồng nghiệp ở đây phải đều đặn ra ngoài trời để thu thập dữ liệu gửi về phục vụ công tác phân tích để dự báo, cảnh báo thời tiết. Càng những lúc thời tiết nguy hiểm thì càng phải ra ngoài để làm nhiệm vụ. Năm 2010, giữa mưa to, gió lớn, anh Hoàng Văn Nghĩa quê ở Nam Định đi làm nhiệm vụ đo độ mặn và mực nước biển đã mãi không trở về vì bị sóng biển bất ngờ ập đến. Năm 2017, khi cơn bão số 16 quét qua đảo làm cây cối đổ gãy, nước ngập hàng mét, các nhân viên ở trạm phải rất vất vả mới thu thập, đưa dữ liệu về kịp thời. "Chúng tôi đều xác định làm việc ở đây sẽ rất vất vả nên lúc nào cũng đoàn kết, gắn bó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tấm gương của đồng chí Nghĩa là động lực để anh em trong đơn vị cố gắng, nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống", anh Xuân trầm ngâm.
Ở đây, ngoài những khó khăn trong công tác thì điều kiện sinh hoạt hạn chế hơn so với đất liền. Cũng như những người lính, các nhân viên Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa phải tăng gia để có rau xanh, thịt tươi phục vụ hằng ngày. Là người gắn bó lâu năm với trạm, với đảo, mọi gian khổ, cách xa đối với anh Xuân dường như đã trở thành những điều rất đỗi bình thường. Khi được hỏi liệu có gắn bó lâu dài với công việc này ở đảo Trường Sa không, chẳng cần suy nghĩ lâu, anh Xuân quả quyết: "Nếu còn sức khoẻ và đơn vị điều động thì tôi sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Làm việc ở đảo là cả một niềm tự hào vì ngoài công việc chuyên môn chúng tôi còn được góp một phần nhỏ bé của mình để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc".
HOÀNG BIÊN