Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 3: Thắm tình quân dân
Tin tức - Ngày đăng : 09:23, 26/01/2019
>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 1: Mang mùa xuân quê nhà ra Trường Sa
>>Trường Sa - pháo đài giữa biển khơi. Bài 2: Những "cột mốc" chủ quyền
Quân và dân ở thị trấn Trường Sa gói bánh chưng đón Tết Kỷ Hợi
Ngọt bùi có nhau
Khi tàu vừa đến cầu cảng thị trấn Trường Sa, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở đây và các hộ dân trên đảo ra đón đoàn chúng tôi. Từ trước đến nay, cứ mỗi lần có đoàn khách đến là quân và dân thị trấn Trường Sa lại cùng nhau tổ chức đón đoàn một cách trang trọng. Những người phụ nữ tần tảo gió sương mặc áo dài sặc sỡ như đi trảy hội. Những người đàn ông sạm đen vì nắng biển nở nụ cười rạng rỡ và chìa cái bắt tay thật chặt như thân quen từ trước.
Anh Nguyễn Minh Vinh, một người dân ở đây đưa chúng tôi về thăm nhà mình ở gần cầu cảng. Sau cả hành trình dài, chúng tôi ngồi ở bàn ghế đá trước nhà anh để đón gió biển và nói đủ thứ chuyện. Vợ anh mang ra một đĩa thạch to do chị tự làm đon đả mời khách. Anh Vinh chia sẻ, ở đây gia đình nào cũng kết nghĩa với một đơn vị bộ đội trên đảo. Những ngày mưa to, bão lớn, các đơn vị lại cử người đến phụ giúp các hộ gia cố công trình, bảo đảm an toàn. "Việc lớn, việc nhỏ gì gia đình cũng đều mời chỉ huy đơn vị đến tham dự. Những ngày lễ Tết, các đồng chí lại gọi anh em chúng tôi vào góp vui. Cách đây mấy tháng tôi đi đá bóng bị gãy tay cũng được các anh quân y bó bột, điều trị cho khỏi hẳn", anh Vinh kể.
Tại một góc sân trên đảo, hàng chục người dân và các chiến sĩ đang quây quần gói bánh chưng để chuẩn bị đón Tết. Một số người cùng nhau dọn dẹp, tổng vệ sinh ở các công trình tâm linh trên đảo như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài liệt sĩ, chùa Trường Sa. Năm nào cũng vậy, tại thị trấn Trường Sa, trong dịp Tết Nguyên đán người lính có gì thì các hộ dân cũng có thứ ấy. Cùng chung một bàn thờ ở hội trường thị trấn, cùng chung một nồi bánh chưng, mâm ngũ quả. Cả đảo như một gia đình đầm ấm, rộn ràng đón một năm mới an yên. Trung tá Nguyễn Trọng Thắng, Chỉ huy phó đảo Trường Sa cho biết: "Không chỉ trong dịp Tết mà tình đoàn kết giữa quân và dân trên đảo được duy trì, củng cố thường xuyên. Đây cũng là việc phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước trên đảo, bảo đảm an toàn, an sinh xã hội tốt để bà con nhân dân yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế”.
Đồng cam, cộng khổ
Đang mùa biển động nhưng ở các điểm đảo, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp một vài chiếc tàu của ngư dân. Đã vài tháng trôi qua nhưng anh Nguyễn Ngọc Viên ở huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa hết bàng hoàng khi đối mặt tử thần. Khuya ngày 1.9.2018, anh Viên bỗng rét run, đau đầu, khó thở, toàn thân nổi mề đay. Khi được đưa vào đảo, anh Viên đã rơi vào tình trạng mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Bác sĩ, đại úy Bùi Công Hưng cùng kíp quân y đã cấp cứu tích cực, cứu được anh Viên qua cơn nguy hiểm. "Tối hôm đó tôi cùng anh em trên tàu ăn bạch tuộc một nắng nướng. Đến đêm thì sốt cao không biết gì nữa. Cũng may là hôm ấy ở gần đảo và được các bác sĩ quân y cứu giúp không thì chắc tôi đã không qua khỏi", anh Viên nhớ lại.
Âu tàu đảo Đá Tây được nhắc đến như một làng chài giữa biển. Mỗi năm có hàng nghìn lượt tàu thuyền vào đây tránh trú. Bên cạnh công tác cứu hộ, cứu nạn, tại Đá Tây, ngư dân được các đơn vị quân đội và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khám chữa bệnh, hỗ trợ thuốc men, lương thực, thực phẩm, đá cây, tư vấn sửa chữa tàu thuyền miễn phí và thu mua thủy sản. Trung tá Nguyễn Văn Tứ, quê ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) hiện đang là Chính trị viên đảo Đá Tây cho biết: "Các cơ quan chức năng ở đây luôn tạo mọi điều kiện cho bà con ngư dân bám biển. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các điểm đảo Đá Tây đã chủ trì, phối hợp khám chữa bệnh cho 113 ngư dân, cấp cứu 3 ngư dân bị ngộ độc thực phẩm, gặp tai nạn lao động trong quá trình đánh bắt hải sản".
Tại những đảo chìm, sinh hoạt của người lính còn rất thiếu thốn vì việc tăng gia gặp nhiều khó khăn. Nhưng bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, việc hỗ trợ, cứu nạn ngư dân luôn được các cán bộ, chiến sĩ ưu tiên hàng đầu. Những mớ rau trồng nhiều tháng mới được thu hoạch nhưng chiến sĩ sẵn sàng nhường cho các ngư dân gặp nạn. Những tủ thuốc trên đảo cũng luôn có cơ số thuốc dự phòng dành cho ngư dân khi cần đến. Đại úy Trần Văn Phúc, quê ở xã Tân Phong (Ninh Giang), Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông chia sẻ: "Mỗi khi nhận được tín hiệu yêu cầu hỗ trợ là anh em trên đảo lập tức lên xuồng đến hiện trường ứng cứu bà con. Cùng với việc hỗ trợ ngư dân, chúng tôi còn tuyên truyền bà con ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật, khai thác đúng vùng biển chủ quyền của mình để hạn chế rủi ro".
Ở Trường Sa, những bãi san hô như lá chắn để tàu thuyền tránh trú bão gió. Còn những người lính luôn luôn điểm tựa, là "bùa hộ mệnh" cho ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển.
HOÀNG BIÊN