Xây dựng văn hóa công vụ vì dân
Tin tức - Ngày đăng : 09:47, 30/01/2019
Đề án văn hóa công vụ là cơ sở chấn chỉnh phong cách ứng xử, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Trong ảnh: Bộ phận "một cửa" xã Thanh Khê (Thanh Hà). (Ảnh mang tính chất minh họa)
Từ tháng 1.2019, Đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có hiệu lực. Hy vọng đây là cơ sở quan trọng chấn chỉnh phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Bệnh "mãn tính"
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của một ngành, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã thẳng thắn phê bình cán bộ, công chức của ngành này còn có tinh thần, thái độ, trách nhiệm chưa tốt thể hiện ở việc mất trật tự, tự do ra vào, sử dụng điện thoại chưa văn minh, lịch sự ngay trong cuộc họp. Thông tin thêm, đồng chí cho biết, dịp đầu năm, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đột xuất kiểm tra một số sở, ngành về tinh thần, trách nhiệm, thái độ trong thực thi công vụ. Qua đây, nhiều hạn chế đã bộc lộ và được chỉ rõ như còn có cán bộ, công chức yếu về chuyên môn, nghiệp vụ làm nhiệm vụ tại các bộ phận "một cửa"; có việc, nội dung "ngâm" thời gian dài; có thủ tục "con" gây phiền phức cho công dân, doanh nghiệp...
Trong cuộc tiếp xúc cử tri của đồng chí Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tại Nam Sách, một số cử tri phản ánh phải đi lại nhiều lần, sử dụng nhiều tài liệu, giấy tờ để làm thẻ căn cước công dân. Trong đó, có cử tri bức xúc vì tinh thần, thái độ của cán bộ chuyên môn, không hướng dẫn, hướng dẫn khó hiểu để một số người cao tuổi, sức yếu phải đi lại nhiều lần.
Gần đây, việc sử dụng điện thoại trở nên phổ biến và phục vụ cả trong công việc chuyên môn thì cũng đồng thời dễ bộc lộ những hình ảnh, hành động chưa lịch sự, văn minh của CBCCVC trong thực thi công vụ. Không ít cán bộ, công chức tự đặt ra "quy tắc" không nghe điện thoại gọi đến từ số máy lạ. Điều này vô tình gây khó khăn cho nhân dân, người cần liên hệ công việc. Có cán bộ, công chức còn khiếm nhã trong giao tiếp khi người cần liên hệ gọi, nhắn tin nhiều lần nhưng cũng không gọi lại.
Việc CBCCVC có thái độ, tinh thần phục vụ thiếu chuyên nghiệp, gây khó dễ, cau có, bực bội khi tiếp xúc với nhân dân vẫn còn. Nhiều người thanh minh là do công việc quá nhiều, áp lực lớn. Tuy nhiên, căn bệnh "mãn tính" này xuất phát từ những cán bộ, công chức thực thi công vụ theo kiểu "hành" dân là "chính" và mới chỉ thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích của chính mình.
Chấn chỉnh ngay
Đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng đến quy định CBCCVC phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”. Đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ Chính phủ đẩy mạnh công tác tổ chức, cải cách hành chính. Trước đây thường chỉ đề cập đến vấn đề văn hóa công sở thì lần này Đề án văn hóa công vụ quy định bao trùm từ cách ứng xử, ăn mặc, trách nhiệm của CBCCVC trong tất cả các cơ quan hành chính nhà nước.
Đề án nêu rõ những quy tắc, nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử giữa CBCCVC với nhân dân. Theo đó, phải đặc biệt ghi nhớ và thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Trong đề án cũng đề cập cụ thể các khía cạnh về tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục… trong thực thi công vụ.
Đề án đã được phê duyệt, nhưng làm thế nào để các quy định đi vào nền nếp, đưa vào thực thi và góp phần chấn chỉnh, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ của đội ngũ CBCCVC? Ngoài việc phải thực hiện quyết liệt công tác cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, trong một cuộc làm việc gần đây, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nêu rõ, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Trong đó, cần nắm chắc thông tin từ dư luận, nhân dân về tinh thần, thái độ phục vụ của CBCCVC.
Để đưa các nội dung của Đề án văn hóa công vụ vào thực tế, ngoài các kế hoạch, quy định thực thi cụ thể, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đặc biệt nêu cao. Người đứng đầu phải gương mẫu trong quyết tâm cải cách hành chính, chấn chỉnh đội ngũ, khắc phục hạn chế. Thậm chí, ở những nơi được cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm về kỷ cương công vụ thì người đứng đầu không thể đạt mức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin, thủ tục hành chính như yêu cầu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo qua một số cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ. Đây chính là kênh rộng rãi để nhân dân nắm thông tin và giám sát đội ngũ CBCCVC.
Đề án văn hóa công vụ có thể sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện công vụ, điều chỉnh phù hợp, hiệu quả mối quan hệ giữa CBCCVC với nhau và với nhân dân.
PV