Độc đáo ngôi đền thờ Bà chúa ở xã Tiền Phong

Di tích - Ngày đăng : 15:40, 30/01/2019

Đền Bà chúa là di tích lịch sử ở thôn Tiên Động, xã Tiền Phong (Thanh Miện), gắn liền với thờ bà Trần Thị Xuân, tự Ngọc Anh, được sắc phong là Ngọc quận công chúa.


Mặt trước đền Bà chúa Ngọc Anh

Theo gia phả dòng họ Vũ Trần thôn Tiên Động và truyền ngôn trong nhân dân, bà Trần Thị Xuân là người có sắc đẹp như tiên được vua Lê vời vào triều làm thứ phi. Từ đó, vua ban Trại My Động đổi thành Trang Tiên Động, ý nói Trang này có người con gái đẹp như tiên.

Bà vào triều làm thứ phi nhưng luôn giữ được khí tiết của người con gái họ Trần đoan trang, mưu tài dũng lược, tấu trình xác đáng góp phần giúp vua cai trị, xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập.

Tuổi cao, bà xin vua cho về lại quê nhà. Nhà vua bằng lòng và chu cấp bổng lộc cho bà theo luật của triều đình. Vua còn ban thêm cho bà 100 mẫu ruộng ở hai bên đường từ kinh thành về đến cánh đồng làng Đan Giáp gần thôn Tiên Động.

Với tầm lòng vàng, bà nhận số ruộng của vua ban đem phân phát cho dân nghèo cày cấy và cấp phát cả bổng lộc của triều đình cho dân làng xa, gần. Bà còn quở mắng quan lại địa phương làm càn, tấu trình với triều đình nghiêm trị. Bà đã sống trọn một cuộc đời thanh bạch, đem tài năng và đức độ của mình giúp dân, giúp nước.


Tượng thờ Bà chúa

Khi mất, bà được an táng theo nghi thức và luật lệ của triều đình nhà Lê. Phần mộ của bà được triều đình chọn nơi đất đẹp, xây thành lăng tẩm tại khu đồng đầu làng Đan Giáp (nay thuộc xã Thanh Giang, Thanh Miện) và xây dựng một ngôi đền thờ bà gần đó, được gọi là đền Bà chúa.

Tương truyền, vị trí xây dựng ngôi đền nằm trên thế đất hình con rồng, đầu rồng gối lên làng Tiên Động, đuôi rồng giáp cống Cổ Ngựa (nay thuộc thôn Phù Cựu, xã Văn Giang, huyện Ninh Giang).

Năm 1970, do thực hiện công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, khu vực đền và lăng mộ Bà chúa có đào con mương đi qua. Do vậy, gia tộc họ Vũ Trần cùng nhân dân thôn Tiên Động đã đề nghị chính quyền các cấp cho phép di dời đền, tượng và lăng mộ của bà về thờ cúng tại quê nhà. Năm 2010, do nhu cầu tín ngưỡng và để mở rộng hơn nữa không gian thờ tự, thể theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương đã trùng tu lại ngôi đền khang trang, to đẹp như hiện nay. Ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ.

Cách đền thờ khoảng 300 m về hướng tây (qua đê sông Luộc) là khu lăng mộ của bà. Toàn bộ khu lăng mộ có diện tích khoảng 500 m2 nằm trước chùa Trại (Phủ Long tự) trong khuôn viên nghĩa trang của thôn Tiên Động. Năm 2011, khu lăng mộ được tu sửa, tôn tạo khang trang gồm cổng, lăng, hồ nước… Phần lăng mộ xây dựng kiểu lục giác, bề mặt ốp đá. Mái kiến tạo kiểu 3 tầng với các đầu đao cong đắp rồng. Giữa các cạnh trên mái có ghi các dòng chữ Hán.


Khu lăng mộ Bà chúa

Do có công lao với dân, với nước, trải qua các triều đại phong kiến, bà Trần Thị Xuân đều được ban sắc ghi nhận công lao. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, hiện nay đền Bà chúa còn lưu giữ được một pho tượng thờ bà tạc vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chất liệu gỗ và 1 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) với nội dung: "Sắc cho xã Tiên Động, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương phụng thờ vị thần tôn kính là Ngọc quận công chúa nhà Lê thuở trước, linh thiêng hiển ứng, có công giúp nước, che chở  cho dân, linh thiêng hiển ứng. Đến nay, đúng dịp Trẫm vừa tròn 40 tuổi, lễ lớn chúc mừng, đã từng ban cho chiếu báu, ban ân rộng rãi, lễ long trọng có phong tước vị. Nổi tiếng được phong là vị thần tôn kính tốt đẹp, dịu dàng, giúp đỡ, bảo vệ thời Trung Hưng. Cho phép xã phụng thờ thần, thần sẽ giúp đỡ, bảo vệ dân lành của ta”. 

Đền Bà chúa đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử.

ĐẶNG THU THƠM