Biến tấu độc đáo của bánh chưng
Ẩm thực - Ngày đăng : 21:30, 02/02/2019
Trong dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày cơ sở gói bánh chưng của bà Nguyễn Thị Tiến Mơ ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chiếc bánh chưng các loại
Nhiều "phiên bản"
Ngoài bánh chưng truyền thống, nhiều nơi trong tỉnh còn làm bánh chưng gấc, bánh chưng cốm, bánh chưng đường, bánh chưng chay, bánh chưng nếp cẩm...
Bốn năm nay, ngoài gói bánh chưng truyền thống, gia đình ông Nguyễn Đức Hiệp ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) còn gói thêm bánh chưng gấc để thêm hương vị, màu sắc cho ngày Tết cổ truyền. Bánh chưng gấc có màu đỏ tươi được bày trong mâm cơm cúng tổ tiên nhìn rất bắt mắt. Ông Hiệp dùng thịt gấc để tạo màu đỏ tươi cho bánh. Ông Hiệp cho biết: “Khi những chiếc bánh chưng có vỏ bánh màu xanh đã quen mắt thì chiếc bánh chưng gấc tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn hơn. Bánh chưng gấc có màu đỏ tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc nên tôi muốn có thêm màu sắc này trong bữa cơm ngày Tết. Các cháu tôi rất thích loại bánh chưng mới này. Trong dịp Tết Nguyên đán, tôi thường làm 5-10 chiếc, phần để nhà dùng, phần để làm quà cho người thân”.
Dù đã hơn 20 năm làm dâu ở xã Thanh Cường (Thanh Hà) nhưng đến nay chị Lê Thị Bình vẫn còn cảm thấy thú vị về món bánh chưng đường độc đáo tại quê chồng. Chị Bình nói: “Mới đầu nghe tới bánh chưng đường tôi cứ nghĩ là bánh chay song không phải vậy. Những tưởng vị ngọt của đường không liên quan gì tới thịt lợn, gạo nếp, tuy nhiên sự hòa quyện giữa nguyên liệu và gia vị đã tạo nên một hương vị đậm đà khó quên”. Trước đây, người dân 6 xã khu Hà Đông (Thanh Hà) thường dùng mật mía trộn đều với đỗ xanh đã hấp chín, ngày nay dùng đường đen thay mật mía. Ngoài ra, người dân ở đây còn cho thêm lạc, dừa vào nhân bánh. Không chỉ các xã khu Hà Đông (Thanh Hà) mà một số xã khác trong tỉnh cũng làm bánh chưng đường.
Những năm gần đây, bánh chưng chay cũng không còn xa lạ với những người ăn chay hay ăn kiêng bởi hương vị thanh đạm đặc trưng của nấm hương cùng vị bùi, ngậy của đỗ xanh. “Nguyên liệu để làm bánh chưng chay cầu kỳ không kém bánh chưng cổ truyền. Gạo nếp được chọn lọc kỹ, vò trắng tinh, đỗ xanh xát vỏ cẩn thận và đồ chín vàng. Trong nhân bánh phải có nấm hương được tẩm ướp gia vị rồi xào chín”, bà Nguyễn Thị Dung, ở phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) cho biết.
Khách hàng ưa thích
Đáp ứng thị hiếu của khách hàng nên ngoài bánh chưng truyền thống, các cơ sở gói bánh chưng trong tỉnh cũng làm thêm những loại bánh mới để bán. Từ rằm tháng chạp, mỗi ngày cơ sở gói bánh chưng của bà Nguyễn Thị Tiến Mơ, ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) sản xuất khoảng 1.000 cái bánh chưng các loại, trong đó bánh chưng chay được nhiều người dân và nhà chùa đặt mua. Ngoài ra, bà cũng làm các loại bánh chưng khác như bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng cốm theo đơn đặt của khách. Bà Mơ cho biết: “Những năm gần đây, người dân có xu hướng lựa chọn các loại bánh chưng mới lạ. Bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng chay... ngày càng được lòng khách hàng. Cứ vào ngày mùng 1 âm lịch hằng tháng tôi thường nhận được từ 3-5 đơn đặt làm bánh chưng chay cho các nhà chùa. Đặc biệt vào những ngày gần Tết Nguyên đán, các đơn đặt loại bánh chưng chay, bánh chưng gấc tăng gấp 2-3 lần so với các tháng khác. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, những loại bánh này chỉ làm cho thực đơn ngày Tết thêm phong phú chứ không thể thay thế được bánh chưng truyền thống”.
Từ khi được thưởng thức bánh chưng đường tại nhà một người bạn ở xã Trường Thành (Thanh Hà) vào năm 2015, đến nay, năm nào anh Nguyễn Ngọc Toàn ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) cũng đặt từ 15 - 20 bánh chưng đường để làm quà biếu họ hàng trong dịp Tết. Theo anh Toàn, bánh chưng xanh quá quen thuộc, thậm chí nhiều khi tạo cảm giác nhàm chán thì loại bánh chưng đường này kích thích vị giác, đem lại cảm giác mới mẻ. "Gia đình tôi ai cũng thích ăn bánh chưng đường. Tuy tôi đã học bí quyết gói bánh chưng đường nhưng mùi vị không giống với nơi đã tạo ra loại bánh này. Vì vậy, trong dịp lễ, Tết hằng năm, tôi phải đến Thanh Hà để đặt mua làm quà”, anh Toàn cho biết.
Giá của các loại bánh chưng mới này có nhiều mức khác nhau tùy theo kích thước và nguyên liệu làm bánh, nhưng thường cao hơn giá bánh chưng truyền thống từ 10.000-25.000 đồng/chiếc do nguyên liệu đắt hơn và quá trình làm cũng công phu hơn. Bánh chưng chay đang được bán với giá từ 40.000-60.000 đồng/chiếc, bánh chưng gấc từ 50.000-80.000 đồng/chiếc, bánh chưng nếp cẩm từ 60.000- 85.000 đồng/chiếc.
ĐỖ QUYẾT