Chợ Tết quê em
Các em viết - Ngày đăng : 13:00, 03/02/2019
Trong lòng em lại rộn ràng, háo hức mong đến ngày được về quê đón Tết. Ấn tượng nhất trong những ngày giáp Tết là được đi chợ cùng bà và mẹ. Bà nội em nói: “Chợ Gọc quê mình chỉ họp vào buổi sáng các ngày có số đuôi 1, 4, 6, 9 âm lịch hằng tháng”.
Hôm ấy là 29 Tết. Mặt trời vén chiếc chăn mây ban phát những tia nắng ấm áp hiếm hoi giữa những ngày đông là lúc mọi người trong làng đổ về chợ sắm Tết. Người đi chợ đông như đi hội. Đâu chỉ có các bà, các mẹ, bao nhiêu đứa trẻ tầm tuổi như em, rồi lớn hơn một chút cũng tung tẩy theo người thân đến chợ. Khuôn mặt ai nấy toát lên nét tươi vui. Một bức tranh chợ Tết sống động hiện ra với đủ thứ màu sắc: màu xanh non của những gánh rau, màu vàng tươi của những quả cam, quả bưởi; màu đỏ, màu trắng, màu tím của những bộ quần áo... Tiếng cười nói của những người đi chợ, lời mời chào khéo léo của những người bán hàng, tiếng kêu của gà vịt, tiếng máy xay đỗ, xay gạo... hòa quyện tạo nên một thứ âm thanh rất đặc trưng của buổi chợ quê ngày cuối năm. Sự đông đúc và náo nhiệt gần như đã xua tan cảm giác lạnh lẽo của mùa đông. Càng vào sâu trong chợ, lối đi càng chật hơn. Người người chen nhau, hàng hóa cũng tràn xuống cả lối đi.
Chợ Gọc ngày Tết không thiếu thứ gì. Bên này là thức ăn, đồ uống, bên kia là đồ chơi, quần áo, giày dép... Đi qua hàng nào chúng em cũng được người bán hàng mời chào rất nhiệt tình: “Bà ơi, chị ơi vào xem quần áo đi ạ!”, “Hoa quả hôm nay tươi và ngon lắm, bà và chị vào mua giúp cháu đi ạ...”. Bà và mẹ em không thể chối từ những lời mời ngon ngọt ấy nên mua sắm được rất nhiều đồ.
Khoảnh đất trống ngay đầu chợ là nơi bán rau, củ, quả. Đầu tiên là mấy bà bán chè xanh. Chắc hẳn ít có nơi nào vẫn duy trì tục bán chè tươi bằng nón như ở phiên chợ này. Người bán ngửa nón, bốc những lá chè xanh cho đầy rồi đổ vào túi cho người mua. Người mua còn cố bốc thêm nắm nữa. Có người bốc thêm hai nắm, bị người bán đập vào tay, mắng: “Khiếp, tham như ma!”. Rồi cả hai cùng cười. Tiếp theo là hàng su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua… và rau thơm đủ loại. Các bà bán bưởi, chuối xanh và các loại trái cây vườn nhà trải ngay mấy manh chiếu cũ xuống đất rồi bày lên mà bán. Cả một khoảnh chợ bừng lên như một tấm vải hoa đủ màu: đỏ, vàng, xanh, trắng… và lừng hương các loại quả, các loại rau thơm ngây ngất.
Đến hàng hoa tươi, em thực sự thích thú như được lạc vào thế giới của sắc và hương. Nào là đào, mai, cúc rồi thược dược, đồng tiền hay lay ơn đủ loại... Lối chật, người đông, những cành đào thỉnh thoảng lại mắc vào áo quần như níu kéo, gọi mời... Đi dọc hàng hoa, cuối cùng em cũng chọn mua được một cành đào phai. Cành đào có nhiều nụ, nhiều lộc và thỉnh thoảng đã có bông bung nở. Cánh đào mỏng, mịn như nhung và đẹp một cách tự nhiên. À, còn cả một bó cúc vạn thọ nữa chứ. Bà bảo: “Mua hoa này thờ Tết để cầu mong cho mọi người trong gia đình luôn bình an và hạnh phúc”.
Trước khi ra về, bà không quên dẫn em ra cuối chợ mua cây mùi già. Bà xoa đầu em rồi cười hiền: “Chỉ có phiên chợ quê cuối năm người ta mới cắt cây mùi già đem bán. Tục tắm nước lá mùi vào ngày cuối năm đã trở thành phong tục đẹp, thiêng liêng của người miền Bắc”. Chiều 29 Tết, bà đun nước lá mùi vào nồi quân dụng, đến lượt người nào tắm thì múc ra pha với nước lã rồi lại chế thêm nước vào đun tiếp. Trong cái nhà tắm bé tí ở góc sân giếng, hơi nước lung linh mờ ảo và thơm ngát mùi cây cỏ vườn nhà. Mùi thơm của cây mùi già cho em cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng, thanh đạm, xao xuyến mênh mang mà những loại sữa tắm đắt tiền không sánh nổi.
Một buổi đi chợ Tết thật vui với những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Bước ra khỏi nhà tắm, em thấy người nhẹ tênh thơm phức để háo hức chờ đón giao thừa và một mùa xuân mới. Cầu chúc một cái Tết an lành sẽ đến với gia đình em và tất cả mọi người.
PHAN QUỲNH MAI