Tạo khác biệt trong thu hút đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 04/02/2019

Hải Dương cần tạo ra sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác nếu muốn bứt tốc trong cuộc chạy đua thu hút các nhà đầu tư.

Hạ tầng khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền (Cẩm Giàng) được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, hiện đại

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thu hút đầu tư của Hải Dương sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Hải Dương cần làm gì để biến thử thách thành cơ hội là bài toán đã và đang được tỉnh cũng như các nhà đầu tư quan tâm.

Môi trường đầu tư - điều kiện sống

Là tỉnh ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đóng vai trò cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng và tỉnh du lịch Quảng Ninh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua như quốc lộ 5, 10, 18, 37 và 38. Nhiều dự án giao thông quan trọng nối Hải Dương với các tỉnh bạn đã và đang được tỉnh triển khai xây dựng. Vị trí địa lý thuận lợi cùng hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh đang là lợi thế, cơ hội của Hải Dương trong giao lưu, trao đổi thương mại với các đỉnh tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. 

Dù vậy, lợi thế này cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Hải Dương phải nỗ lực hơn nữa nhằm ghi điểm với các nhà đầu tư. Để Hải Dương không chỉ là nơi đi qua mà phải là điểm dừng chân của các nhà đầu tư lớn, đòi hỏi tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, có chiến lược thu hút đầu tư bền vững. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của Chính phủ khẳng định để Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, việc đầu tiên tỉnh cần làm là phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Nhiệm vụ này phải được thực hiện kiên quyết, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhà đầu tư. “Hiện nay, các tỉnh, thành phố khác đang cải cách rất mạnh mẽ để nâng cao chỉ số PCI. Hải Dương đã có những chuyển biến tích cực nhưng cần nhanh hơn nữa. Nếu chúng ta không nỗ lực, kiên quyết thực hiện cải thiện các chỉ số trên thì sẽ sớm bị tụt lại phía sau”, ông Hiền nhấn mạnh.

Hơn chục năm trước, khi tập đoàn kinh tế Uniden của Nhật Bản tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam, địa điểm ban đầu mà tập đoàn này lựa chọn không phải là Hải Dương. Dù vậy, sau khi nghiên cứu, đánh giá cụ thể các yếu tố vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, tập đoàn này đã chuyển hướng đầu tư về Hải Dương. Năm 2007, dự án sản xuất thiết vị vô tuyến viễn thông của Công ty TNHH Uniden Việt Nam được đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) Tân Trường (Cẩm Giàng). Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, ông Kaneko Hirofumi, Giám đốc Công ty Uniden Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thấy quyết định chuyển hướng đầu tư của mình là đúng đắn. Thời gian qua, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của các ngành chức năng trong tỉnh. Điều này làm tăng niềm tin của chúng tôi khi mạnh dạn tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh”. 

Để có nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn hơn nữa đến Hải Dương, ông Kaneko Hirofumi cho rằng tỉnh cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn liền với hạ tầng xã hội. Quan tâm phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, các cơ sở y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người nước ngoài.

Nhắm vào những tập đoàn lớn

Là chuyên gia nghiên cứu, theo dõi tình hình thu hút đầu tư của tỉnh trong suốt 20 năm qua, TS Nguyễn Xuân Đoan, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định thu hút đầu tư của tỉnh đã có bước phát triển mới theo từng năm nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Các dự án đầu tư phần lớn có quy mô vốn nhỏ và trung bình, chưa có nhiều dự án công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Ông Đoan cho rằng trong thời gian tới, tỉnh nên nghiên cứu xây dựng khu hoặc cụm công nghiệp mũi nhọn và điển hình dành cho các nhà đầu tư lớn có những dự án công nghệ cao. Ở đó, khi doanh nghiệp vào đầu tư, tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng và cam kết sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. “Làm được điều này, Hải Dương sẽ tạo ra sự khác biệt so với các tỉnh khác và tạo được điểm nhấn trong thu hút đầu tư. Mỗi khi nhắc tới Hải Dương, các nhà đầu tư sẽ nhắc ngay tới KCN hoặc cụm công nghiệp này”, ông Đoan nói.

Cùng quan điểm này, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại An mong muốn tỉnh sẽ tập trung xây dựng và phát triển KCN kiểu mẫu, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo. KCN này sẽ đáp ứng toàn diện nhu cầu của nhà đầu tư và người lao động. Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, vũ khí quan trọng nhất để cạnh tranh và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chất lượng lao động. Tỉnh cần nghiên cứu, đổi mới phương thức đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư cần theo hướng trọng điểm. Lãnh đạo tỉnh cần chủ động đón đầu các tập đoàn lớn, đa quốc gia ngay từ khi họ đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư. 

Hiện nay, Việt Nam đã và đang ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), mở ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư cho các địa phương. Với tiềm năng sẵn có, cùng những chiến lược, giải pháp mới về thu hút đầu tư, chắc chắn Hải Dương sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trong những năm tới.

PHAN ANH