Đừng để sự quan tâm trở thành nỗi ám ảnh ngày Tết

Bạn đọc - Ngày đăng : 08:00, 04/02/2019

Tết là dịp để sum vầy đoàn tụ, là dịp để những người họ hàng thân thích, bạn bè có cơ hội gặp gỡ nhau sau một khoảng thời gian dài xa cách.

Bên cạnh những lời chúc Tết thì việc hỏi thăm nhau cũng đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của người Việt. Thế nhưng đôi khi chỉ vì sự quan tâm chưa đúng cách, thậm chí nhiều khi thiếu tế nhị mà nhiều người đưa ra những câu hỏi khiến cho người được hỏi cảm thấy không thoải mái hoặc khó chịu.

Càng gần Tết, trào lưu chế ảnh "Ăn Tết văn minh" với những nội dung như "Ăn Tết văn minh là không hỏi khi nào lấy chồng/lấy vợ/mức lương/thưởng Tết..." trên mạng xã hội Facebook càng thu hút được nhiều người tham gia hưởng ứng, đồng tình. Một vài người chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười của bản thân. Nếu là các bạn trẻ đang ở độ tuổi yêu đương thì thường sẽ được hỏi "Có người yêu chưa? Người yêu đâu sao không dẫn về ra mắt?". Trưởng thành hơn chút nữa thì: "Bao giờ cưới? Khi nào lấy chồng/lấy vợ?". Với người đã kết hôn nhưng chưa sinh con thì sẽ là: "Khi nào đẻ?". Với cặp vợ chồng đã sinh 1 hoặc 2 con rồi thì sẽ là "Khi nào đẻ tiếp?" Đặc biệt không ít trường hợp đối với những gia đình sinh con một bề thì câu thường gặp là "Phải đẻ tiếp để có nếp có tẻ chứ nhỉ?". Với học sinh thì câu hỏi thường là về thành tích học tập, người đi làm thường được hỏi về mức lương, thu nhập, thưởng Tết... Có người nói vui rằng trong những ngày Tết họ liên tục phải lặp lại câu trả lời hàng chục lần cho một câu hỏi có cùng nội dung.

Tuy trào lưu trên mạng xã hội chủ yếu chỉ mang tính hài hước thế nhưng đằng sau đó lại là những câu chuyện, những vấn đề khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm. Nhiều người cho rằng những câu hỏi thăm về tình trạng hôn nhân, con cái hay liên quan đến công việc như lương, thưởng Tết hoặc vấn đề học hành là điều hết sức bình thường, thậm chí đôi khi là câu cửa miệng quen thuộc khi gặp nhau, đặc biệt là sau một khoảng thời gian dài không gặp. Những câu hỏi đó đơn giản chỉ là thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của nhau nên người được hỏi cũng không nên "nhạy cảm" thái quá. Mà nếu không hỏi những câu đó thì biết hỏi hay nói chuyện về chủ đề gì?

Thế nhưng cũng không ít người cho rằng, nội dung những câu hỏi như trên lại mang tính chất riêng tư nhiều hơn, thậm chí một vài câu hỏi còn có phần thiếu tế nhị, gây khó chịu, áp lực cho người được hỏi. Một vài người thẳng thắn bày tỏ quan điểm cho rằng những câu hỏi đó là "kém duyên".

Xét trong một chừng mực nào đó, khi gặp gỡ nhau trong những ngày Tết, trước khi đưa ra câu hỏi, lựa chọn chủ đề để trò chuyện, cần đặt mình vào hoàn cảnh, tâm lý của người đối diện, tránh những câu hỏi bị cho là thiếu tế nhị. Đừng để sự quan tâm lại tạo thành áp lực với người được trò chuyện.

HUYỀN TRANG