50 đêm giao thừa nhớ thơ Bác
Chính trị - Ngày đăng : 20:01, 04/02/2019
Xuân Đinh Mùi 1967, Bác Hồ về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc
Nhưng không ai ngờ rằng, bài thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu (Bác viết tháng giêng năm 1969) lại là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác.
Thơ Bác Hồ chan chứa tình cảm đối với dân với nước, nhưng còn một ý nghĩa lớn lao, đó là vũ khí chiến đấu, truyền sức mạnh tinh thần đến cho muôn người. Nửa thế kỷ trôi qua, câu thơ vẫn như văng vẳng đâu đây: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn".
Bác dùng thể thơ lục bát, sáu câu ngắn gọn có vần, vừa dễ thuộc dễ nhớ nhưng chuyển tải được mục tiêu của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm: Vì độc lập, tự do của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Cũng từ những câu thơ giản dị ấy, người dân ai cũng hiểu chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, nghĩa là đánh cho chúng phải thua chạy, phải sụp đổ hoàn toàn, để giành thắng lợi cuối cùng là "Bắc-Nam sum họp”.
Bài thơ chúc Tết của Bác có nhiều người phổ nhạc. Nhưng hay nhất, được phổ biến rộng rãi là tác phẩm của nhạc sĩ Huy Thục phổ thành bài hát “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào”. Bản nhạc này đã phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam, như hồi kèn xung trận trong suốt mùa xuân năm ấy, có sức mạnh như những binh đoàn…
Những ai vào lứa tuổi 60 vẫn còn nhớ nguyên vẹn những giây phút hồi hộp đêm giao thừa đón nghe thơ Bác trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là đêm thứ bảy ngày 15.2.1969. Theo dương lịch thì năm mới đã được 45 ngày, nhưng theo âm lịch chỉ là đêm giao thừa giữa năm Mậu Thân và năm Kỷ Dậu.
Bấy giờ đất nước đang vào giai đoạn chiến tranh ác liệt. Khắp làng quê, thành thị hừng hực khí thế “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam”. Những khẩu hiệu “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” đã khích lệ các chiến sĩ ngoài mặt trận. Tuy Mỹ hạn chế ném bom phá hoại miền Bắc nhưng từ trong khu 4 vẫn ngày đêm đạn nổ bom rơi. Đêm đêm những đoàn quân rầm rập hướng về phương Nam, những cây cầu phao, cầu tạm vẫn hối hả cõng đoàn xe vận tải. Những chuyến phà oằn mình chở pháo sang sông. Hậu phương dường như không ngủ.
Đồng ruộng đang thời vụ cấy chiêm, ở nhiều nơi những chiếc máy cày đêm vẫn cặm cụi trên đồng. Vệt đèn tạo ánh sáng mờ ảo cho người xã viên cấy nốt nắm mạ cuối cùng. Ở hậu phương, người nông dân chia lửa cho chiến trường bằng quyết tâm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trồng trọt cấy cày tăng vụ. Các HTX thi đua với nhau "Cấy cho xong mới yên lòng ăn Tết”, người dân thì “Cấy cho hết, ăn Tết mới ngon”… Có gia đình nông dân vừa buông cây mạ ngoài đồng về nhà là hối hả lao vào gói bánh chưng, chuẩn bị ăn Tết. Tiếng là ba ngày Tết nhưng có khi chỉ nghỉ được một buổi sáng mùng một làm cỗ cúng gia tiên, buổi chiều lại ra đồng cấy tiếp cho kịp thời vụ. Ngoài trời gió bấc rét căm căm, trong nhà cha mẹ, con cái quây quần bên nồi bánh chưng và nghe ca nhạc, nghe tiếng pháo nổ ran phát ra từ chiếc loa đầu ngõ và đợi đến phút giao thừa nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ.
Ở vào tuổi 79, giọng Người ấm áp thiết tha, lời thơ lắng sâu trong trái tim người dân nước Việt: "Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn".
Rồi nghệ sĩ Kim Liên (Đoàn văn công Hà Nam Ninh) ngâm bài thơ của Bác, tràn đầy xúc động… Không ai có thể ngờ rằng, đây là bài thơ cuối cùng của Bác, bởi chỉ gần 7 tháng sau, ngày 2.9.1969, Bác Hồ đã mãi mãi ra đi…
Thấm thoắt đã nửa thế kỷ, người Việt Nam trong và ngoài nước không còn được nghe thơ chúc Tết của Bác nữa. 50 năm qua, đất nước đã vượt qua những chặng đường dài, đầy máu và hoa, vinh quang và thách thức, nhưng rất đáng tự hào. Chỉ sau 4 năm, lời tiên tri của Bác đã thành sự thật: Tháng 3.1973, tên lính Mỹ cuối cùng phải cuốn cờ về nước (Mỹ cút). Và sau đó 2 năm, trưa 30.4.1975, tại Sài Gòn, cánh cổng sắt dinh Độc Lập bị xe tăng Quân giải phóng húc đổ nhào, dinh lũy cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa sụp đổ (ngụy nhào). Trên sóng đài Sài Gòn phát đi lời tuyên bố của Tổng thống ngụy xin đầu hàng vô điều kiện. Trong không gian, biển trời bao la đang vang vọng bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca khúc “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào” của nhạc sĩ Huy Thục.
“Mỹ cút, ngụy nhào”, đúng như lời Bác chúc Tết năm Kỷ Dậu. Càng đúng hơn, ngày vui thống nhất, Bắc - Nam sum họp vui nào vui hơn.
Mùa xuân Kỷ Hợi năm nay vừa tròn năm chục mùa xuân vắng tiếng thơ của Bác, nhưng âm hưởng của bài thơ vẫn vang lên đây đó.
Mậu Tuất quả là một năm đầy ấn tượng. Những thành tựu kinh tế - xã hội thật đáng tự hào. Chưa bao giờ sức mạnh quần chúng nhân dân được đẩy mạnh lên như thế dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc chiến chống tham nhũng, cửa quyền, lợi ích nhóm đang dấy lên phong trào rộng khắp và toàn diện, gây dựng niềm tin trong xã hội. Những tội ác, tội phạm được vạch mặt, đưa ra ánh sáng và chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Mùa xuân này không còn kẻ thù ngoại xâm. Những kẻ thù năm xưa đã thành bè bạn, hợp tác thân thiện. Nhưng lại nảy sinh những kẻ thù nội xâm. Chúng tinh vi ẩn nấp trong ngõ ngách đời sống, làm băng hoại đạo đức xã hội, phá hoại nền kinh tế, cản trở công cuộc đổi mới của đất nước…
Chiếc kim đồng hồ đang nhích dần đến điểm hẹn, đến cái giây phút thiêng liêng - giao thừa. Giao thừa Kỷ Hợi này, bỗng nhớ đêm giao thừa năm Kỷ Dậu 50 năm trước. Vẫn nghe văng vẳng lời Bác: "Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!".
KHÚC HÀ LINH